Hiểm hoạ từ rượu pha

(Dân trí) - Chỉ cần đạt mục đích thu được nhiều lãi người ta đã pha vào rượu nhiều hoá chất độc hại, miễn là đánh lừa được cảm giác của người uống. Mỗi ngày, hàng nghìn lít rượu pha này được tiêu thụ ở khắp các quán xá Hà Nội.

Rượu siêu rẻ và công nghệ “bí truyền”

 

Từ lâu, làng Tó (Thanh Trì – Hà Nội) đã nổi tiếng và sống bằng nghề nấu rượu. Công việc làm ăn rất phát đạt, rượu nấu không kịp bán, thậm chí phải mua lại của cả bên Bắc Ninh.

 

Theo chỉ dẫn của bà chủ quán nước, chúng vào một đại lý rượu khá nổi tiếng nằm đầu đường Chợ Tó. Nhìn thấy khách, người chủ đại lý tên Thành “tiếp thị” ngay: “Rượu nhà nấu, chứ không nhập thứ rượu Bắc (Bắc Ninh) nhạt phèo đâu. Cần bao nhiêu cũng có, rượu sắn: 4.200 đồng/lít, tẻ: 6.000 đồng/lít,  nếp: 11.000 đồng/lít”.

 

Nghe chúng tôi nói muốn mua rượu để bán hàng ăn,  anh ta khuyên nên lấy rượu sắn và rượu tẻ cho kinh tế bởi hai thứ này giá rẻ, cứ ngâm tí thục hay thuốc bắc để rượu có màu, nếu biết cách pha, uống cũng rất “phê”. Pha gì ư? Nước lã và tỷ lệ 2/8, 3/7 hay 4/6, tuỳ ý!

 

Chuyện trò một lúc, thấy chúng tôi vui vẻ, cởi mở anh Thành “bật mí”: Thông thường, phải nấu 6 cân gạo thì mới chưng cất được 4 lít rượu. Bây giờ, giá gạo tẻ nấu rượu khoảng 3.500 đồng/cân, vị chi 6 cân gạo giá trên dưới 20.000 đồng. Trong khi đó, giá rượu tẻ là 6.000 đồng/lít. Vậy nên người nấu rượu phải pha rượu với nước lã, cồn công nghiệp, đường hoá học... theo tỷ lệ nhất định mới có lãi “dày”.

 

Như để chứng minh uy tín của cơ sở mình, anh ta cho chúng tôi xem cuốn sổ dày cộp ghi tên các địa chỉ giao hàng lớn, bé ở khắp nơi. Theo ước tính của anh Thành, chỉ riêng Hà Nôi, mỗi tuần cơ sở này cung cấp gần bốn trăm lít rượu các loại cho các nhà hàng, quán nhậu, quán cơm bình dân. Khách mua chỉ việc điện thoại tới, sẽ có người mang rượu đến tận nơi.

 

Ngoài rượu, đại lý của anh ta và rất nhiều cửa hàng xung quanh còn có cả đường hoá học, bán cho người nơi khác mua về nấu rượu. Giá cả cũng khá mềm, đường Trung Quốc giá 100.000 đồng/kg, đường mía: 80.000 đồng/kg, đường B1 (Việt Nam): 60.000 đồng/kg, cần bao nhiêu cũng đáp ứng tuốt...

 

Khi đệ tử “Lưu linh” gặp nạn

 

Bà Nguyễn Thị Dụ - Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Ngộ độc rượu là một trong những trường hợp thường thấy ở đây. Nạn nhân thường được đưa đến trong tình trạng nhiễm độc methanol gây ra hiện tượng vã mồ hôi, huyết áp cao, không tự điều khiển được cơ thể, chân tay co giật, mê sảng...

 

Bác sĩ  Dụ còn cho biết: Trung tâm đã từng cấp cứu cho nhiều trường hợp, trong đó có cả sinh viên bị nhiễm độc do uống rượu pha với thuốc trừ sâu .

 

Đây là loại rượu pha cực kỳ nguy hiểm bởi thực tế, việc pha rượu với thuốc sâu chỉ làm tăng nồng độ cồn giả tạo. Nó gây ra ảo giác lâng lâng bởi cảm giác nóng rát cổ họng khi uống loại rượu này. Hầu hết người uống không ý thức được sự nguy hiểm vì nó không gây ra hậu quả trực tiếp.

 

Tuy nhiên, ngộ độc là điều không tránh khỏi. Nhẹ thì có thể bị đau đầu, bỏng niêm mạc, viêm loét dạ dày, giảm trí nhớ. Nặng thì có thể dẫn đến hôn mê, bất tỉnh thậm chí tử vong.

 

Gần đây nhất là trường hợp anh Lê Đình Xuyên (Hoàn Kiếm- HN) được đưa đến  trung tâm cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu do nhiễm độc nặng methanol trong rượu. Sau nhiều ngày phải thở ô-xi và truyền dịch anh Xuyên đã tỉnh lại nhưng thần kinh thì không thể phục hồi và rơi vào tình trạng ngớ ngẩn, mất trí nhớ.

 

Theo bác sỹ Nguyễn Ngọc Minh, khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện E: Khi gặp các dấu hiệu, triệu chứng đặc trưng của ngộ độc methanol như mờ mắt, nhức đầu dữ dội (thường xuất hiện trong khoảng 8 - 32 giờ sau khi uống rượu) thì phải nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để được cấp cứu; nếu ngộ độc nặng thì phải chạy thận nhân tạo...

 

Phạm Thanh