Hẹp âm hộ - gây khó cho “chuyện ấy”

(Dân trí) - Hẹp âm hộ là một dị tật bẩm sinh của cơ quan sinh dục ngoài, gây tình trạng bế kinh, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản và khả năng sinh hoạt tình dục của người phụ nữ.

Một bé gái 3 tuổi, ở Hà Nội, hay bị ngứa ở vùng âm hộ nên được mẹ đưa vào Bệnh viện Xanh Pôn khám. Bác sĩ tiến hành thăm khám cẩn thận, làm siêu âm, chụp X quang, phát hiện âm hộ của cháu có môi lớn bình thường, hai môi nhỏ, âm vật và lỗ âm đạo không nhìn thấy, các bộ phận khác và biểu hiện phát triển cơ thể hoàn toàn bình thường. Các bác sĩ kết luận, cháu bị dị tật bẩm sinh hẹp âm hộ, cần thiết phải phẫu thuật sớm để tạo hình lại âm hộ cho cháu.

 

Bộ phận sinh dục ngoài của nữ giới gồm có, môi lớn nằm ngoài cùng bao quanh âm hộ, môi nhỏ nằm phía trong bao quanh tiền đình, phía trên tiền đình là âm vật, dưới âm vật là lỗ niệu đạo, dưới lỗ niệu đạo là lỗ âm đạo, ngăn cách âm đạo với âm hộ bởi một màng trinh có lỗ thủng nhỏ ở giữa.

 

Bộ phận sinh dục ngoài bắt đầu được hình thành vào tuần thứ 5, biệt hoá thành bộ phận sinh dục nam hoặc nữ từ tuần thứ 12 của thời kỳ phôi thai. Ban đầu, nếp ổ nhớp được cấu tạo bởi hai nếp gấp ở cả nam và nữ. Ở phôi nữ, hai nếp gấp này không sát nhập với nhau như ở nam giới, mà phát triển để tạo thành hai môi nhỏ viền xung quanh tiền đình. Trong quá trình hình thành bộ phận sinh dục ngoài ở phôi nữ, nếu hai nếp gấp ổ nhớp sát nhập hoặc dính vào nhau sẽ gây nên dị tật bẩm sinh hẹp âm hộ.

 

Trường hợp hẹp âm hộ do lớp biểu mô của hai môi nhỏ dính vào nhau sẽ rất dễ điều trị nếu được phát hiện sớm, vì hai môi nhỏ dễ tách nhau ra.

 

Trường hợp hẹp âm hộ do hai môi nhỏ sát nhập nhau một phần, thường phát hiện muộn, khi người phụ nữ lấy chồng không thể quan hệ tình dục được, hoặc quan hệ khó khăn gây đau đớn, nên mới đi khám bệnh.

 

Trường hợp hẹp âm hộ do hai môi nhỏ sát nhập nhau hoàn toàn, thường được phát hiện ở tuổi dậy thì, do kinh nguyệt không thể thoát được ra ngoài, gây đau bụng, tử cung to dần thành khối ở hạ vị.

 

Lưu ý chị em phụ nữ và các bà mẹ:

 

- Để hạn chế dị tật bẩm sinh cho trẻ, trong quá trình mang thai, các bà mẹ cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh các tác nhân độc hại gây ảnh hưởng tới sức khoẻ bà mẹ và sự phát triển của thai.

 

- Khi tắm rửa cho trẻ, bà hoặc mẹ nên kiểm tra, nếu nghi ngờ trẻ có bất thường vùng âm hộ thì đưa trẻ đến khám ngay để phát hiện các dị tật bẩm sinh và có biện pháp xử trí sớm.

 

- Ở tuổi dậy thì, vú đã phát triển, lông mu đã mọc mà vẫn không thấy kinh nguyệt, hay đau bụng dưới và thấy bụng dưới to dần lên, thì nên đến bệnh viện để khám xem có bất thường về phụ khoa hay không.

 

- Phụ nữ khi có chồng, các lần quan hệ tình dục đều thấy khó khăn và đau, thì cần phải đi khám phụ khoa.

 

BS Trần Văn Phúc

(Bệnh viện Xanh Pôn)