Hành động vì sự sống còn của trẻ

(Dân trí) - Kế hoạch hành động vì sự sống còn của trẻ em giai đoạn 2009-2015 đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 18%, tử vong trẻ dưới 1 tuổi còn dưới 15%, tử vong trẻ sơ sinh dưới 10%...

Tại Hội thảo Phổ biến kế hoạch Quốc gia vì sự sống còn của trẻ em diễn ra sáng 7/10 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Chí Liêm cho biết, trong những năm qua, tỷ lệ tử vong, suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm đáng kể nhưng tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh hầu như không thay đổi và vẫn cao. Việt Nam vẫn nằm trong danh sách 36 nước chiếm 90% số SDD thể còi cọc trên thế giới…

Trước thực trạng đó, tháng 7/2009, Bộ Y tế đã phê duyệt Kế hoạch hành động vì sự sống còn của trẻ em giai đoạn 2009-2015 với mục tiêu Củng cố mà mở rộng diện bao phủ các can thiệp thiết yếu vì sự sống còn trẻ em nhằm giảm sự khác biệt về chăm sóc sức khỏe trẻ; cải thiện sức khoẻ và giảm tỷ lệ tử vong trẻ em ở tất cả các vùng miền trong cả nước. Theo đó sẽ giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 18%, tử vong trẻ dưới 1 tuổi còn dưới 15%, tử vong trẻ sơ sinh dưới 10% và giảm tỷ lệ SDD trẻ em xuống 15%... vào năm 2015.

Hành động vì sự sống còn của trẻ - 1
Với chương trình hành động này, trẻ em trên cả nước, nhất là trẻ em  ở vùng sâu, xa, miền núi sẽ có điều kiện chăm sóc y tế tốt hơn (Ảnh: L.L)
 
Để thực hiện chỉ tiêu này, TS Nguyễn Duy Khê, Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế sẽ mở rộng bao phủ các can thiệp thiết yếu chăm sóc sức khoẻ trẻ em, tăng tỷ lệ trẻ bú sữa mẹ, tăng tỷ lệ tiêm phòng sởi ở trẻ em, uấn ván bà mẹ mang thai; đảm bảo 80% trẻ sơ sinh được thăm khám tại nhà ít nhất 1 lần trong tuần đầu sau đẻ.

Đồng thời sẽ củng cố, nâng cao kiên thức, kỹ năng thực hành của cán bộ y tế các tuyến về chăm sóc sơ sinh; củng cố mạng lưới nhi khoa, nâng cao chăm sóc sức khoẻ cho trẻ từ gia đình, cộng đồng đến cơ sở y tế; tăng cường nhận thức và sự tham gia của cộng đồng về các can thiệp vì sự sống của trẻ.

“Cái chết của một em bé là nỗi đau không thể kể hết với các gia đình, nhưng phần lớn những nguyên nhân tử vong trẻ em có thể tránh được bằng các can thiệp. Thế nhưng các can thiệp này vẫn chưa đến được với những trẻ có nhu cầu. Vì thế, Bộ Y tế đã phê chuẩn chương trình này, đưa kế hoạch cứu sống trẻ em vào chương trình ưu tiên của ngành y tế nhằm giảm tử vong và bệnh tật trẻ em. Ngành y tế mong muốn có sự đồng thuận của toàn xã hội để cùng chung tay thực hiện những hành động vì sự sống còn của trẻ”, TS Liêm nói.

Linh Linh