“Hàng gia dụng tiệt trùng”: Chỉ là quảng cáo?

Trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều thiết bị gia dụng, được quảng bá là có những chức năng tiệt trùng

“Hàng gia dụng tiệt trùng”: Chỉ là quảng cáo? - 1

Một loại dao có chứa chất tiệt trùng ở cán
Cái nào cũng… nhất

 

Có thiết kế bên ngoài như một đèn ngủ, gồm có hai hệ thống bóng đèn có chức năng phát tia cực tím (tia UV), cây đèn UV Light được quảng bá là có thể “tiêu diệt côn trùng, vi khuẩn có trong thực phẩm đến… 99%”. Cách dùng khá đơn giản, chỉ cần mở đèn, rà sát bề mặt thực phẩm từ 5 - 10 phút, tia cực tím đủ sức tiêu diệt vi khuẩn có trong rau, cá, thịt... Giá của thiết bị trên khoảng 4 triệu đồng.

 

Ngoài ra, còn có nhiều thiết bị hấp sấy mà nhà sản xuất công bố sử dụng công nghệ Ozone và Photocatalyst để tiệt trùng các loại bình sữa, bàn chải đánh răng hoặc các dụng cụ ăn uống dành cho trẻ… Những thiết bị này có nguồn gốc sản xuất tại Trung Quốc, Đài Loan. Giá dao động từ vài trăm ngàn cho đến vài triệu đồng tuỳ theo công năng và công suất sử dụng.

 

Rộ lên gần đây là những dụng cụ làm bếp, được giới thiệu là có chức năng tiệt trùng. Đó là những loại thớt neoflam, dao Microban. Thớt sạch neoflam được làm bằng nhựa đặc biệt có pha trộn chất (theo công bố của nhà kinh doanh) microban có tác dụng ngăn chặn sự xâm hại của vi khuẩn nấm mốc, luôn giữ cho sản phẩm trắng sạch như mới và có tác dụng vĩnh cửu”. Những chiếc thớt sạch neoflam giá từ 74.000 - 198.000đ tuỳ theo kích thước và hình dáng. Còn dao microban cán dao làm bằng nhựa PP có chứa hạt microban diệt khuẩn. Dao microban giá từ 60.000 - 75.000đ.

 

Chỉ có giá trị… bề mặt

 

Ông Hồng Phi (Q.10, TPHCM), vào mạng đọc được thông tin về cây đèn UV Light và đã đến nơi bán (234 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TPHCM) để tìm hiểu sản phẩm. Sau một hồi hỏi về sản phẩm, ông đã không mua vì lý do: “Làm sao để kiểm chứng thiết bị diệt vi khuẩn 99%?” Trong khi đó, theo lời nhân viên bán hàng tại đây, cây đèn này bán khá chạy. “Khách hàng mua theo lời giới thiệu của những người đã sử dụng và đọc qua website bán hàng của cửa hàng này”, nhân viên bán hàng nói thêm. Về lý thuyết, theo dân chuyên môn, tia UV chỉ có tác dụng khử trùng bề mặt sản phẩm, không thể xuyên sâu bên trong để khử trùng.

 

Công nghệ Nano, theo GS.TS Nguyễn Chánh Khê (trung tâm nghiên cứu của khu công nghệ cao TPHCM) là vật liệu mới được ứng dụng để sản xuất những sản phẩm mới hoặc dùng vào việc chế tạo linh kiện nhằm giảm kích thước và tăng độ chính xác cũng như độ bền của sản phẩm. Nano là loại vật liệu siêu cứng, siêu bền, dẫn nhiệt và dẫn điện tốt. Như vậy, với thuật ngữ Nano bạc là lớp bạc được tráng vào bề mặt các sản phẩm như tủ lạnh, bình đựng thức ăn, máy giặt… có diệt khuẩn được hay không là câu chuyện cần có những ý kiến chuẩn xác từ các cơ quan nghiên cứu.

 

Microban được quảng bá là chất phụ gia được trộn khi đúc các sản phẩm nhựa và có nhiều chức năng cộng thêm như tiệt trùng, ngăn chặn nấm mốc phát triển trên bề mặt sản phẩm và giữ bề mặt sản phẩm trắng sạch. Với những loại thớt nhựa, cán dao có dùng chất microban, sau khi rửa sạch sẽ không có hiện tượng nấm mốc phát triển. Còn thớt gỗ và cán dao bằng gỗ, dù có rửa sạch nhưng trong môi trường ẩm nấm mốc vẫn phát triển. “Thuộc tính của các sản phẩm nhựa (có hay không các chất phụ gia) hạn chế các loại nấm mốc phát triển. Vì vậy, thêm hay không thêm chất tiệt trùng vào rồi quảng bá quá mức sẽ làm người tiêu dùng không hiểu đúng giá trị bản chất của công nghệ. Là dân chuyên môn về nhựa nhưng chúng tôi chưa nghe đến hoạt chất microban”, TS Đỗ Quang Kháng, viện Hoá học Việt Nam, nói.

 

Theo Trọng Hiền

SGTT