Hãi hùng lang băm

Càng gần đến Tết cổ truyền, tại khắp các chợ thôn quê, nhiều lang băm đang tranh thủ hành nghề…

  

Hãi hùng lang băm - 1

Những sạp thuốc như thế này xuất hiện ở nhiều phiên chợ gần Tết

Thầy bói kiêm thầy lang

 

Một buổi sáng cuối tuần khi đi chợ Hòn Rớ (Khánh Hòa) mua đồ ăn, trong lúc tôi đang mải kiếm tìm những thực phẩm cần dùng, bất chợt có tiếng gọi từ phía sau. Chưa kịp định thần để hiểu có chuyện gì xảy ra thì gã nọ đã kéo tôi ngồi xuống tấm bạt nhếch nhác trải nơi góc chợ. Với vẻ mặt nhàu nát và ánh mắt ranh mãnh, gã liến thoắng phán: “Số em không làm thầy cũng làm thợ, năm nay em sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Nói chung năm nay em ước gì được đó”. Tuy không thích thú những trò tầm phào này cho lắm nhưng tôi cũng bấm bụng xem ông thầy bói này định giở trò gì. Và cuối cùng, sau một màn dạo đầu bằng cách xem tiền vận, hậu vận vô thưởng vô phạt, gã “thầy bói” cũng đi vào mục đích chính.

 

Bằng bàn tay thô ráp, sần sùi gã bấm mạnh xuống nơi cổ tay của tôi rồi chép miệng, lắc đầu: “Người em rất mát, sức khỏe tốt, song chỉ có điều gan em nóng. Bệnh này cần phải trị gấp, nếu không sẽ ảnh hưởng đến thần kinh và sẽ kém… về khoản ấy. Thôi, để thầy cắt cho mấy thang thuốc, uống vào là em sẽ ăn được, ngủ được, bộ máy “đàn ông” sẽ làm việc hết công suất”. Nghe “thầy” phán đến đây, tôi hết sức ngạc nhiên, bởi tôi nghĩ đây chỉ là một gã làm nghề bói dạo, đâu ngờ lại còn kiêm cả thầy lang. Thấy tôi có ý nghi ngờ, gã chỉ tay vào 2 chiếc bao tải đựng thuốc và tiếp tục liến thoắng về các bài thuốc bí truyền mà mình đã được thừa hưởng. Nghe những lời “đánh bóng thương hiệu” của gã, tôi có cảm tưởng như mình đang được xem lại những màn bán thuốc dạo trên phim ở thập niên 80 của thế kỉ trước.

 

“Chợ thuốc” của các lang băm?

 

Qua lời “thuyết trình” say sưa của vị lương y tự phong, “thầy” là người Raglai ở Khánh Sơn, Khánh Hòa. “Thầy” xuống núi chủ yếu để lấy đức giúp người (!?). Địa bàn bán thuốc thường là ở các chợ trong và ngoài tỉnh. Những thang thuốc của “lương y” đều là những thang thuốc bí truyền, được lưu giữ từ nhiều đời nay. Nhưng khi được hỏi về giấy phép hành nghề thì vị lang băm chỉ cười mà không nói gì thêm. Đến lúc này tôi mới nhận ra, lang băm này chỉ là một gã bán thuốc theo lối “Sơn Đông mãi võ” mà thôi.

 

Tưởng rằng cuộc “hội ngộ” như vậy chỉ là hãn hữu, nhưng đâu ngờ, một lần đi chợ ở Bình Tân (TP. Nha Trang), tôi lại tiếp tục chứng kiến những màn bán thuốc của một lang băm người Chăm ở Ninh Thuận. Không có khiếu xem bói như lang băm nọ, song lang băm ở chợ Bình Tân lại có thuốc trừ tà ma và nước rửa mặt cầu may. Mỗi gói “thuốc phép” nhỏ xíu được “thầy” bán với giá “hữu nghị” 20.000 đồng. Các đối tượng mà lang băm nhằm tới chủ yếu là phụ nữ và người lớn tuổi. Có một điều làm tôi băn khoăn, không hiểu vì lý do gì mà hàng thuốc này lại có thể tồn tại ở đây ngót nghét hơn 20 năm nhưng không hề bị cơ quan chức năng “hỏi thăm”?

 

Để có thể hiểu hơn về công dụng của phương thuốc mà các lang băm dùng trị bệnh, tôi đã vào vai một khách hàng đi mua thuốc. Quay trở lại hàng thuốc của lang băm mà tôi đã từng gặp trước đó ở chợ Hòn Rớ, vẫn sử dụng chiêu cũ, gã lại tiếp tục xem bói cho tôi trước khi phán bệnh. Có lẽ đây là chiêu “tâm lý chiến” mà các lang băm thường dùng để lừa phỉnh con bệnh. Sau một hồi “thuyết giáo”, không để cho tôi kịp phản ứng, gã lôi vội trong bao tải cũ mèm ra 10 thang thuốc gói trong giấy báo nhàu nát rồi ấn vào tay tôi. Một tay giữ thuốc, một tay lang băm huơ huơ làm phép. Hai mắt “thầy” nhắm nghiền, miệng thì lầm bầm điều gì đó. Nhìn cách lang băm bốc thuốc trị bệnh, có lẽ dù trí tưởng tượng có phong phú đến mấy cũng không thể hình dung được ở thế kỉ XXI vẫn còn có những “chiêu độc” đến thế.

 

Cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi, giọng lang băm lại sang sảng phán những điều hết sức phi lý: “Đây là thuốc gia truyền nên nó kỵ với các loại thuốc khác. Trong thời gian uống thuốc thì phải kiêng khem đồ tanh. Đặc biệt, không được đi qua dây phơi quần áo của phụ nữ. Nếu uống 30 thang không khỏi bệnh thầy sẽ bồi thường gấp đôi. Bây giờ, cắt 10 thang, sau đó sẽ cắt tiếp”. Trước khi bắt mạch, vị lương y dỏm luôn miệng nói chữa bệnh làm phước, song khi tính tiền thì chỉ xin lấy “giá hữu nghị” 500 ngàn đồng cho 10 thang thuốc. Tôi viện cớ không đem đủ tiền và chỉ xin lấy tạm 1 thang uống thử, ngày mai sẽ ra mua tiếp. Biết đã để tuột mất “con mồi”, gã lang băm có vẻ không hài lòng. Nhưng khi tôi “rút êm”, gã vẫn nhắc nhớ ngày mai ra lấy thuốc kẻo hết.

 

Sau đó, còn có nhiều người khác cũng bị dụ mua thuốc bởi những “chiêu” câu khách tài tình của “thầy”. Không biết họ bệnh tình ra sao, song tất cả đều được lang băm bốc cùng một thang thuốc đã bán cho tôi. Tuy giá bán một thang thuốc của “thầy” không hề rẻ, song trong thang thuốc cũng chỉ gồm mấy miếng cam thảo, mấy lát quy, thục… còn lại thì toàn những loại rễ cây “bí truyền”. Khi tôi đem thang thuốc mua được cho một lương y có thâm niên trong nghề xem thì ông cũng không nhận biết được những vị thuốc “lạ” trong thang thuốc này.

 

Đừng để tiền mất, tật mang

 

Trong lúc ngồi đợi “thầy lang” ở chợ Bình Tân kê đơn, bốc thuốc, tôi đã được chứng kiến không biết bao chuyện xung quanh việc bắt mạch, kê đơn của “thầy”. Dường như bất cứ bệnh nào, ông lang băm này cũng đều tuyên bố chữa khỏi. Có một điều làm tôi thấy bất ngờ, hầu như mọi người được bắt mạch đều có chung một căn bệnh, đó là bệnh về gan. Người gầy gò sẽ được thầy phán nóng gan, còn người mập thì chắc chắn là gan nhiễm mỡ. Khác với gã lang băm ở chợ Hòn Rớ, số lượng thuốc của “lương y gia truyền” tại chợ Bình Tân khá nhiều và được bày riêng rẽ có tính chuyên nghiệp hơn. Tuy bản thân am hiểu đôi chút về thuốc Đông y nhưng có rất nhiều vị thuốc được sử dụng ở đây tôi thấy khá lạ lẫm. Thấy tôi hoài nghi, “lương y” người Chăm trấn an: “Đây là cây thuốc được hái trong rừng, nó được dùng để trị bệnh cho nhiều người rồi nên không phải lo”. Vị lang băm càng giải thích thì tôi lại càng hoang mang; trộm nghĩ, những vị thuốc không rõ nguồn gốc lại chưa được kiểm duyệt, nếu có vấn đề gì thì chắc chắn người bệnh sẽ là người lãnh đủ.

 

Khủng khiếp hơn, ở đây còn bán cả hạt mắt mèo (một loại hạt cực độc) để chữa bệnh ung thư. Ngay cả khi bệnh nhân bị tiểu đường hoặc bướu cổ cũng được “thầy lang” hướng dẫn mua về uống. Có thể nói, hạt mắt mèo vốn có chứa hàm lượng chất độc rất cao nên từ lâu đã được khuyến cáo không nên sử dụng cho việc chữa bệnh và cũng chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh loại hạt này có công dụng chữa bệnh ung thư, tiểu đường, bướu cổ… Với việc dùng hạt mắt mèo tùy tiện như thế sẽ rất dễ dẫn tới tử vong cho người sử dụng. Lo ngại hơn, các loại thuốc bệnh, thuốc xoa bóp… đều có chung đặc điểm là không nhãn mác, không có chỉ dẫn. Ngoài hướng dẫn sơ sài liều dùng, công hiệu, các “thầy” hầu như không cung cấp thêm thông tin về nguyên liệu bào chế ra các loại thuốc này.

 

Nhìn cách bốc thuốc của các lang băm, tôi bất chợt rùng mình, không biết sẽ còn có bao nhiêu người bệnh gặp phải các vị lang băm như tôi từng gặp? Rồi tính mạng của họ sẽ ra sao khi được các “thầy” bốc cho những thang thuốc không ai kiểm chứng? Thiết nghĩ các ban ngành chức năng cần quyết liệt hơn nữa trong công tác kiểm tra việc hành nghề không giấy phép của các lang băm này để người dân không bị “tiền mất tật mang”!

 

Theo Đình Lâm

Sức khỏe & Đời sống