Hai bé song sinh tử vong không phải do vắc xin

(Dân trí) - Sáng 14/5, đại diện Sở Y tế tỉnh Yên Bái cho biết, kết luận Hội đồng khoa học điều tra nguyên nhân tử vong của 2 bé song sinh ở xã Mông Sơn (Yên Bái) sau tiêm vắc xin lao cho thấy, hai bé tử vong là do suy hô hấp vì viêm phổi nặng.

Theo bà Đào Thị Ngọc Lan, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái, kết quả khám nghiệm tử thi của cháu Phạm Đức Thiện đã khẳng định cháu tử vong là vì suy hô hấp nặng do viêm phổi nặng trên bệnh nhân suy dinh dưỡng. Cháu được hơn 3 tháng tuổi, nặng 3,2kg, vào bệnh viện trong tình trạng sốt 37o7, có hình ảnh tổn thương của phổi, nhịp thở nhanh.

Còn cháu Phạm Đức Thành tử vong tại nhà thì không tiến hành mổ tử thi nhưng các chuyên gia cũng cho rằng cái chết của cháu không liên quan tới vắc xin mà liên quan nhiều tới khả năng suy hô hấp vì viêm phổi. Theo giải thích của các chuyên gia, do hai cháu sinh đôi cùng trứng, nên đặc điểm sinh lý giống nhau, lại sống cùng một nhà, cùng một điều kiện chăm sóc, dinh dưỡng cũng như nhau. Đặc biệt, những triệu chứng bệnh mà theo lời gia đình kể thì cháu Thành có giống hệt của cháu Thiện trước đó (cũng có biểu hiện khó thở, người tím tái).

Theo bà Lan, nguyên nhân hai cháu bị viêm phổi có thể là do sau khi tiêm, mẹ và cô đã bế hai cháu ra đi xem thi đấu thể thao, bị nhiễm lạnh, dẫn đến viêm phổi.

Hội đồng khoa học cũng đã tiến hành điều tra, xem xét về quy trình tiêm chủng, bảo quản vắc xin... thì thấy cán bộ y tế thực hiện đúng theo quy trình tiêm chủng, không phát hiện sai sót. Vắc xin tiêm cho hai cháu bé đảm bảo về chất lượng (do chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cấp và vẫn còn hạn sử dụng).

Vì thế, các chuyên gia cho rằng, hai cháu bé tử vong không phải nguyên nhân do vắc xin.

Ngoài ra, sức khỏe 9 cháu cùng tiêm vắc xin lao với hai cháu Thiện, Thành hiện đều hoàn toàn bình thường, khoẻ mạnh.

Theo PGS Nguyễn Thị Thu Yến, Trưởng khoa dịch tễ, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, trên thế giới cũng như Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào tai biến tử vong do tiêm phòng lao. Thường sau tiêm lao, có khoảng 95% trẻ sau một tháng tiêm phòng lao có vết loét tại chỗ tiêm, sau thành sẹo, chỉ có một số bị viêm hạch ở cổ.

Hồng Hải