Hà Nội: Sốt xuất huyết vẫn tiếp diễn

(Dân trí) - Theo đánh giá của bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Phó giám đốc bệnh viện Nhi TƯ, việc có một số bệnh nhân sốt xuất huyết phải điều trị nội trú tại bệnh viện ở thời điểm này là rất muộn so với năm ngoái.

Dễ nhầm lẫn

 

Những bệnh nhân này đều đến từ các quận huyện tại Hà Nội. Đáng mừng là chưa có trường hợp nào bị tử vong.

 

Bác sĩ Lộc cho biết, sốt xuất huyết có những triệu chứng điển hình như:

 

- Bệnh nhân thường bị sốt dao động (có lúc sốt rất cao, rồi lại giảm xuống, toát mồ hôi và thấy rét run).

 

- Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân cảm thấy mệt, đau khắp người, đau các cơ.

 

- Bệnh nhân bị sốt xuất huyết có thể chảy máu cam, chảy máu chân răng, chảy máu dạ dày.

 

- Thường ở ngày thứ 4, toàn thân bệnh nhân bắt đầu xuất huyết lấm chấm. Đây cũng là thời điểm nhiệt độ cơ thể bắt đầu giảm xuống, bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, li bì, chân tay lạnh, mạch khó bắt, tụt huyết áp do mất dịch.

 

Thời điểm này trẻ dễ bị sốc do mất máu và mất dịch, rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong.

 

Bác sĩ Lộc cho biết, ở thời điểm này năm ngoái, bệnh viện không tiếp nhận trường hợp sốt xuất huyết nào.

 

Thông thường, thời điểm khoảng tháng 7, 8, do thời tiết mưa bão, ẩm, muỗi phát triển nhiều nên cũng có nhiều người mắc bệnh sốt xuất huyết nhất.

 

Nhưng năm nay, hiện tại đã là tháng  11 thời tiết  hanh khô mà sốt xuất huyết vẫn phát triển mạnh.

 

Do vậy, người dân không được chủ quan mà vẫn phải tích cực chủ động phòng ngừa căn bệnh dễ lây lan này.

Dù có những triệu chứng khá điển hình như trên, nhưng có nhiều phụ huynh không quan sát kỹ biểu hiện bệnh của trẻ nên dễ nhầm lẫn giữa sốt xuất huyết và sốt thường. Có nhiều trường hợp trẻ bị sốt xuất huyết, nhưng cha mẹ lại cho uống các thuốc hạ sốt có tính axit như Aspirin, ibuprofen (những thuốc kháng viêm không steroid có tác dụng hạ sốt, giảm đau, chống vón kết tiểu cầu)...

 

BS Lộc nhấn mạnh: "Những loại thuốc này chỉ dùng để hạ sốt khi bệnh nhân bị sốt thông thường, còn khi bị sốt xuất huyết tuyệt đối không được dùng Aspirin vì nó sẽ gây chảy máu đường tiêu hoá (chảy máu dạ dày, chảy máu ruột...). Chảy máu đường tiêu hoá thường chảy nhiều nơi, nhiều chỗ nhỏ rất khó cầm. Tình trạng mất máu, mất dịch liên tục khiến nguy cơ tử vong rất cao.

 

Do đó, khi trẻ bị sốt (nhất là trong cùng một khu vực mà phát hiện có nhiều bệnh nhân bị sốt) cha mẹ cần chú ý theo dõi, tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống các thuốc hạ sốt có axit. Khi trẻ bị sốt mà có biểu hiện mệt mỏi, ủ rũ, đến ngày thứ tư mà có biểu hiện xuất hiện các nốt lấm chấm trên người thì cần đưa nhập viện ngay.

 

Phòng  bệnh

 

Theo BS Lộc, đến thời điểm này vẫn chưa có vaccine đặc hiệu, chưa có thuốc đặc hiệu diệt trừ loại siêu vi trùng này. Do vậy, các phòng bệnh duy nhất và có ý nghĩa rất quan trọng là người dân cần ngủ màn, dọn vệ sinh sạch sẽ những vùng nước đọng, phun thuốc trừ muỗi… Với trẻ nhỏ hay chạy nhảy, chơi đùa nên bôi dầu chống mũi cho trẻ để tránh nguy cơ trẻ bị muỗi đốt truyền bệnh sốt xuất huyết…

 

Khi trẻ có những biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết, cần đưa trẻ nhập viện ngay, giảm nguy cơ trẻ bị sốc do mất máu, mất dịch dẫn đến tử vong. Trong thời gian trẻ bị sốt vẫn đảm bảo cho trẻ ăn uống đầy đủ, không kiêng khem. Thức ăn nên nấu mềm, loãng cho trẻ dễ ăn.

 

Hồng Hải