Hà Nội: Cẩn trọng nước giải khát di động

Thứ nước mà người bán hàng quảng cáo là nước cam nguyên chất có một chút gì đó giống nước Fanta, nhưng vị ngọt thì đậm hơn rất nhiều. Dù uống vào rất mát, nhưng tôi cũng ngậm ngùi buộc phải dừng việc thưởng thức lại vì sợ không an toàn.

Có lẽ chưa bao giờ, các điểm bán nước giải khát ở Hà Nội lại rộ lên như những ngày oi bức vừa qua. Ngoài các quán có cửa hiệu đẹp đẽ, các quán nước giải khát vỉa hè thì nước giải khát bán rong cũng thi nhau mọc lên.

 

Chỉ cần một chiếc xe nhỏ, vài ba cái ly, một xô đá và những nguyên liệu đơn giản mà nhiều người quen đặt nó với công thức: Nước lã + đường hóa học + chất tạo màu + đá là người đang lên cơn khát sẽ được làm dịu cái cảm giác nóng nực. Việc các xe bán nước di động mọc lên kiểu này đang đặt người tiêu dùng đứng trước những ẩn họa khôn lường...

 

"1.000 đ/cốc, vừa ngon, vừa mát, vừa bổ, lại rẻ đây!"

 

Tiếng rao của chị bán hàng làm những người đi đường đang khát cháy cổ không khỏi chú ý. Tôi cũng không khỏi chạnh lòng bởi lời mời bình dân mà trong lúc này lại ngọt ngào đến thế nên quyết định dừng xe bên đoạn đường Nguyễn Trãi, gần Trường Đại học Khoa học tự nhiên.

 

Chị bán hàng cũng nhanh chóng dừng xe và đon đả mời tôi y như lời chị vừa rao. Nhiều người đi đường cũng xúm lại bên thùng hàng của chị. Dường như cái khát đã làm mọi người không kịp chú ý đến chiếc xe đạp chở chiếc thùng cũ kỹ và đã cáu bẩn của chị với dòng chữ: "Nước giải khát".

 

Chị bán hai thứ nước màu vàng tươi như nước cam vắt và màu đỏ như màu nước dâu, tất cả đều với giá 1.000 đồng/cốc. Ngoài lời rao bán, chị còn không quên nói thêm: "Mua 3 cốc, tặng thêm 1 cốc. Cứ yên tâm, các em sinh viên ở mấy trường gần đây là khách hàng quen thuộc của tôi đấy. Giá bán cho sinh viên nên mới rẻ như vậy".

 

Quả đúng như lời chị nói, người dân ở đây cho biết, nhiều người bán hàng nước giải khát rong như thế này bán ở chợ Xanh, chợ Phùng Khoang, dân cửu vạn bên đường Nguyễn Trãi và cho một số sinh viên của mấy trường đại học và trung học gần đây.

 

Để kiểm chứng về chất lượng, tôi cũng mạnh dạn mua một cốc màu vàng mà theo lời chị bán hàng nói thì đó là "nước cam nguyên chất đấy". Uống một ngụm và chậm rãi thưởng thức, tôi vẫn không nhận ra đó là mùi vị gì.

 

Có một chút gì đó giống nước Fanta, nhưng vị ngọt thì đậm hơn rất nhiều. Dù uống vào rất mát, nhưng tôi cũng ngậm ngùi buộc phải dừng việc thưởng thức lại vì sợ không an toàn.

 

Ghé vào quán nước bên đường, tôi được bà bán nước cho hay: "Trước đây tôi chưa thấy người ta bán loại nước rong này bao giờ. Chỉ thấy bảo ở TP Hồ Chí Minh mới có kiểu bán nước rong, nước giải khát của họ được làm từ rau má, sâm, bông cúc, mía…

 

Nhưng từ đầu hè đến giờ, nhất là mấy ngày nóng bức vừa qua thì tôi mới thấy xuất hiện ở đây những người bán rong này. Chẳng biết là nước gì mà trẻ con và người lớn có nhiều người thích".

 

Tiếp lời bà bán nước, một anh xe ôm cũng đang ngồi uống nước ở đây cho biết: "Nhiều người uống nước đó xong rồi suy ra công thức: Nước lã + đường hóa học + bột màu (hay chất tạo màu) + đá. Trong đó, chất tạo màu là chất gì, có nguy hiểm hay không thì chẳng ai biết vì có ai kiểm chứng được đâu. Ngạc nhiên nữa là có nhiều gia đình còn mua về cả can rồi để trong tủ lạnh vì thấy họ bảo nước này để cả tuần cũng không hỏng".

 

Những xe bán nước giải khát rong như thế này không chỉ tập trung ở các chợ, trường học mà còn được bán gần các bến tàu, bến xe và các điểm dừng, đỗ xe buýt. Dừng lại bên một xe bán hàng trên đường Giải Phóng, tôi cũng được anh chủ hàng đon đả chào mời.

 

Tôi hỏi: "Nước của anh pha bằng chất gì?". Anh ngần ngừ trả lời: "Đã là nước gia truyền nên có bí quyết riêng, chị cứ uống thử rồi sẽ biết". Cô bạn đi cùng tôi quyết định giúp tôi kiểm chứng mùi vị ra sao.

 

Uống xong, cô ta lắc đầu thất vọng: "Có vị ngọt đậm như đường hóa học và không thấy mùi vị gì". Thấy cô bạn tôi nói vậy, anh bán hàng tỏ vẻ tự ái nói: "Chị nói thế nào chứ mấy hôm nay nước của em hơi bị đông khách đây, mỗi ngày ít nhất cũng bán được hơn 2 thùng, mà mỗi thùng cũng phải gần 50 cốc".

 

Hãy tự bảo vệ mình

 

Theo những người dân ở đây cho biết, nhiều người uống rồi cũng phàn nàn về chất lượng của thứ nước này. Tuy nhiên, những người bán nước giải khát rong này thì bôn ba khắp nơi.

 

Có ngày, họ chỉ dừng lại mỗi chỗ khoảng 1 tiếng rồi lại đi, nên có thắc mắc cũng chẳng biết kêu ai. Điều này cũng gây khó khăn cho các cơ quan chức năng nếu muốn kiểm tra về chất lượng của nó.

 

Điều đáng nói là, bất kể loại nước giải khát nào đều phải có kiểm định và chứng nhận về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo Sở Y tế Hà Nội thì các cơ sở sản xuất nước ngọt, nước giải khát phải đăng ký công bố chất lượng thành phần.

 

Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết, thị trường nước giải khát mùa hè khá hỗn độn, hiện tượng vi phạm nhãn mác hàng hóa, chất lượng sản phẩm diễn ra khá nhiều.

 

Không chỉ có những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ mà ngay cả những đơn vị sản xuất lớn cũng có tình trạng vi phạm này. Vừa qua, lực lượng QLTT đã phát hiện hàng loạt nước hoa quả, nước khoáng đóng chai, nước tăng lực không rõ nguồn gốc.

 

Không chỉ có vậy, lực lượng QLTT còn phát hiện nhiều cơ sở sản xuất nước giải khát vi phạm quy chế về nhãn hàng hóa, chất lượng nước uống không đảm bảo.

 

Chi cục QLTT cũng khuyến cáo với khách hàng về những loại đồ uống không nhãn mác, không nguồn gốc, không rõ thành phần như nước giải khát bán rong không nên dùng. Trước khi các cơ quan chức năng vào cuộc thì người tiêu dùng nên tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình.

 

Theo CAND