Hà Nội: 400.000 người sẽ được uống vắc xin tả

(Dân trí) - PGS.TS Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ TƯ cho biết, trong thời gian sớm nhất, tất cả những đối tượng trên 10 tuổi sống tại hai quận Thanh Xuân, Hoàng Mai sẽ được uống vắc xin tả. Ước tính có khoảng 400.000 được uống vắc xin trong đợt này.

Thưa ông, lượng vắc xin hiện nay có đáp ứng đủ nhu cầu nếu triển khai ở tất cả các quận ở Hà Nội?

 

Trước mắt, Bộ Y tế có kế hoặch triển khai cho hai quận Thanh Xuân và Hoàng Mai. Vì trong đợt dịch trước, đây là hai quận có tỷ lệ người mắc cao so với các quận khác.

 

Hiện nguồn vắc xin dự trữ chỉ đủ cho hai quận này. Với khoảng 800 ngàn liều đang có trong kho thì có khoảng 400 ngàn người sống tại hai quận Hoàng Mai và Thanh Xuân sẽ được uống vắc xin tả trong thời gian sớm nhất.

 

Vậy khả năng cung ứng vắc xin tả dạng uống do Việt Nam sản xuất là như thế nào? Nếu trong trường hợp sử dụng vắc xin đại trà tại nhiều tỉnh thành, liệu có thiếu nguồn vắc xin, thưa ông?

 

Điều đáng mừng là khả năng sản xuất vắc xin tả của Việt Nam là khá lớn, có thể cung ứng đủ trong thời gian nhanh nhất. Nếu làm đủ các khâu, từ sản xuất ra vắc xin đến kiểm định chất lượng và được phép lưu hành chỉ cần khoảng 3 - 4 tuần.

 

Theo tôi, nếu có đủ vắc xin ngay bây giờ thì nên triển khai trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội, vì trong đợt dịch vừa qua Hà Nội tỉ lệ mắc tương đối cao. Sau đó triển khai tiếp tại các tỉnh có nguy cơ như vùng sau lũ lụt, những tỉnh đã bị dịch tiêu chảy cấp trong đợt trước.

 

Vì sao trong đợt uống vắc xin lần này lại chỉ chọn những đối tượng từ 10 tuổi trở lên? Việc uống vắc xin tại hai quận này sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?

 

Chúng tôi quyết định không triển khai uống đại trà mà tập trung vào đối tượng có nguy cơ cao. Vì theo điều tra dịch tễ đợt tiêu chảy cấp trước cho thấy lứa tuổi từ 10 trở lên hay bị. Còn trẻ em thường mắc tiêu chảy do vi rút rota.

 

Vắc xin tả do Việt Nam sản xuất là dạng uống, nên cách triển khai cũng thuận lợi hơn so với vắc xin tiêm. Chúng tôi đã có kế hoặch với Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội triển khai càng sớm càng tốt.

 

Theo đó, tất cả các đối tượng từ 10 tuổi trở lên sống tại hai địa bàn này sẽ được uống 2 liều vắc xin tả hoàn toàn miễn phí.

 

Vậy những người dân có nhu cầu nhưng không sinh sống ở hai địa bàn này có thể mua vắc xin về uống? Vắc xin này phù hợp với những đối tượng nào?

 

Theo khuyến cáo của ngành y tế, những hộ gia đình hoặc bất cứ ai có nhu cầu sử dụng vắc xin thì nên đến cơ sở y tế hỏi và được hướng dẫn sử dụng. Còn hiện tại, việc bán để người dân tự sử dụng thì chúng tôi không khuyến khích. Vì hiện nay số lượng vắc xin dự trữ cũng chỉ đủ để triển khai tại 2 quận Thanh Xuân và Hoàng Mai.

 

Tại một số địa phương có nguy cơ cao, vắc xin tả đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Đối tượng trẻ em từ 1 tuổi trở lên cũng được uống 2 liều như người lớn. Ngoài ra, những phụ nữ đang mang thai, cho con bú vẫn có thể uống mà không ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, từng trường hợp cụ thể nên đến cơ quan y tế để được hướng dẫn sử dụng tốt nhất.

 

Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả bảo vệ của vắc xin tả, thưa ông?

 

Theo nghiên cứu của chúng tôi, vắc xin do Việt Nam sản xuất có đáp ứng miễn dịch rất nhanh. Ngay sau khi uống xong liều đầu tiên, chỉ 1 - 2 ngày sau đó là đã có tác dụng bảo vệ. Còn việc uống tiếp liều thứ hai sau đó là để tăng cường khả năng phòng vệ, chứ không phải là phải đợi uống đến liều 2 mới có tác dụng như nhiều người vẫn nghĩ.

 

Hiệu quả bảo vệ của loại vắc xin này khoảng 66%. Theo nghiên cứu thực địa của chúng tôi tại Thừa Thiên Huế cho thấy, sau 5 năm sử dụng vắc xin thì hiệu lực bảo vệ còn 50%. Kết quả này là tốt, vì không có vắc xin nào có khả năng phòng ngừa 100%.

 

Tất cả những người được uống vắc xin tả thì sẽ có đáp ứng miễn dịch. Còn hiệu quả bảo vệ còn tuỳ thuộc vào điều kiện sống cũng như cơ địa của họ.

 

Việc uống vắc xin tả rất hữu ích, nó vừa đáp ứng miễn dịch cho bản thân người uống, vừa có giá trị về miễn dịch cộng đồng. Đó là nếu sống ở bên cạnh những người đã được uống vắc xin tả, nguy cơ mắc bệnh của người chưa được uống cũng giảm đi.

 

Tuy nhiên tôi cũng nhấn mạnh, uống vắc xin không phải là biện pháp tối ưu trong phòng chống dịch mà chỉ là một biện pháp hỗ trợ. Quan trọng nhất vẫn làthực hiện nghiêm túc các biện pháp dự phòng: ăn chín uống sôi, rửa tay sạch, giữ gìn vệ sinh môi trường. Đây mới là biện pháp phòng bệnh lâu dài và hữu hiệu nhất.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Hồng Hải (thực hiện)