Giới tính của trẻ thụ tinh trong ống nghiệm dễ bất thường?

(Dân trí) - Dễ bị lưỡng tính? Có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh nhiều hơn trẻ sinh bằng phương pháp khác? Thường nhẹ thấp cân…. Đó là băn khoăn của rất nhiều người trước khi quyết định có một em bé nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Để giải đáp những băn khoăn này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Phương Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (bệnh viện Phụ sản TƯ) về vấn đề này.

 

Thưa bà, tôi đã từng tiếp xúc với một bà mẹ có con bằng phương pháp TTTON, nhưng em bé đó có sự bất thường về giới tính, hiện đang được điều trị để đợi đến khi đủ tuổi mới có thể phẫu thuật. Người phụ nữ này rất đau khổ, không dám nghĩ đến có con lần hai bằng phương pháp này vì sợ bé cũng bị như cô chị. Có phải trẻ được TTTON sẽ có nguy cơ bất thường về giới tính không?

 

Tôi khẳng định là trẻ được TTTON không có sự khác biệt so với trẻ được sinh ra bằng phương pháp thông thường. Các em bé này đều khoẻ mạnh, không có bất thường gì.

 

Về giới tính trẻ cũng không bị ảnh hưởng. Bởi lẽ, trong quá trình thụ tinh không hề có sự tác động vào tinh trùng và trứng. Quá trình này hoàn toàn tự nhiên như có thai thông thường. Đó cũng là lý do khiến tỷ lệ nam - nữ ở trẻ sinh bằng phương pháp này khá đều, 50 – 50, không hề có sự can thiệp.

 

Trẻ bị lưỡng giới nguyên nhân chủ yếu là do di truyền hoặc do thời kỳ phát triển thai (đặc biệt là thai dưới 10 tuần, bắt đầu có sự phát triển của phôi thai, phân chia giới tính).

 

Có ý kiến cho rằng, việc dùng các loại thuốc nội tiết để giữ thai trong kỹ thuật TTTON chính là nguyên nhân ảnh hưởng tới sự phân chia giới tính của đứa bé, khiến bé có bất thường về giới tính. Bà có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

 

Tôi khẳng định, thuốc nội tiết để giữ thai trong các ca TTTON hoàn toàn không có ảnh hưởng đến việc phát triển giới tính của trẻ hay làm cho trẻ bị biệt hóa (hình thể ngoài nam hóa hoặc nữ hóa). Bởi việc chỉ định dùng thuốc giữ thai chỉ được tiến hành cho tới tuần thứ 12, sau khi quá trình phân chia giới tính của phôi thai đã hoàn thành. Để tránh cho trẻ bị bệnh, trong thời kỳ này, người mẹ phải tuyệt đối nghe theo sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa TTTON. Chúng tôi quản lý rất chặt những thai phụ này, chỉ sau tuần thai thứ 12 mới ra phòng khám thai thường để phòng những nguy cơ dùng thuốc khác.Và thực tế hầu hết trẻ sinh tại viện đều bình thường, không có biểu hiện khác biệt về giới tính. Tỷ lệ cặp vợ chồng vô sinh hiện nay là 10 - 15%. Tuy nhiên, đối tượng tìm đến TTTON chưa nhiều, một phần do tâm lý, một phần vì chi phí. Chi phí cho một ca TTTON là từ 30 - 45 triệu đồng cho một lần thụ tinh. Từ tháng 10 năm 2000 đến nay, tại BV Phụ sản TƯ đã có hơn 1.000 trẻ ra đời bằng phương pháp TTTON.

 

Thưa bà, thông thường những người đã lựa chọn biện pháp TTTON đều mong muốn được đa thai, 2, thậm chí 3 thai trong một lần để tiết kiệm chi phí. Vậy theo bà, những em bé đa thai này có bị ảnh hưởng gì về sức khoẻ không?

 

Việc mang đa thai tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của cả em bé và bà mẹ. Nếu mang đa thai, trẻ đều nhẹ cân. Hoặc đa thai cũng có thể dẫn tới sinh non, thiếu tháng. Việc nhẹ cân và đẻ non có thể làm trẻ mắc các bệnh liên quan đến trẻ đẻ thiếu tháng, chủ yếu là các bệnh lý về đường hô hấp. Còn trẻ đẻ non quá khi não bộ chưa phát triển đầy đủ có thể ảnh hưởng phát triển về trí tuệ. Đặc biệt là trẻ dễ mắc các bệnh về mắt, võng mạc chưa phát triển đầy đủ nên gây bệnh lý về võng mạc và trẻ có thể bị mù.

 

Tuy nhiên, những bệnh lý này cũng hoàn toàn có thể gặp ở những em bé sinh nhẹ cân, đẻ non, đẻ thiếu tháng bằng phương pháp thụ thai thông thường.

 

Trong trường hợp đa thai, Viện sẽ giảm thiểu thai cho các bà mẹ mang đa thai (3 thai) ở tuần thai thứ 7. Việc giảm thiểu được thực hiện qua đường âm đạo hoặc hút dưới túi ối ( thường giảm thiểu có chọn lọc để lại hai thai).

 

Ngoài ra, trẻ TTTON có nguy cơ bị bệnh nhiều hơn so với trẻ sinh bằng phương pháp thông thường không? Có nguy cơ bị các dị tật bẩm sinh khi sinh con bằng phương pháp này?

 

Sự bất thường ở thai nhi ở trẻ sinh bằng phương pháp TTTON chỉ khác sinh thường ở chỗ, nếu để đa thai sẽ có nguy cơ sinh non và trẻ nhẹ cân. Còn các nguy cơ khác, cũng giống với trẻ sinh ra bằng phương pháp thông thường tự nhiên. Tại bệnh viện Từ Dũ cũng có nghiên cứu trẻ 1 –2 tuổi sinh bằng TTTON nhưng số liệu báo cáo cũng không có sự khác biệt giữa trẻ sinh bằng phương pháp này và trẻ đẻ tự nhiên. Hiện tại, BV Phụ sản TƯ cũng đang nghiên cứu sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ thụ tinh trong ống nghiệm và trẻ ra phương pháp thông thường. Bước đầu cho thấy, tỷ lệ trẻ dị dạng ngay sau sinh là như nhau, không có sự khác biệt.

 

Vậy có cách nào để phòng những bệnh này cho trẻ sơ sinh bằng phương pháp tự nhiên hay TTTON không, thưa bà?

 

Bất kể sinh bằng cách nào, tốt nhất trẻ phải được sinh ra từ những bà mẹ khỏe mạnh, trước 35 tuổi. Vì vậy, tốt nhất những cặp vợ chồng lấy nhau, có quan hệ vợ chồng thường xuyên sau 12 tháng không có con cần đi khám để có phương pháp điều trị tốt nhất.

 

Với TTTON, tỷ lệ thụ tinh thành công liên quan đến độ tuổi phụ nữ rất nhiều. Cụ thể, sau 35 tuổi tỷ lệ thành công giảm 15%, còn 40 và trên 40 tuổi, tỷ lệ thành công trong thụ tinh ống nghiệm xuống còn 4 - 7%. Sau 40 tuổi ngoài sự thành công kém, đứa trẻ sinh ra ở những bà mẹ này còn có nguy cơ bị hội chứng down và một số dị tật khác (tất nhiên, kể cả trường hợp sinh bình thường mà mẹ lớn tuổi cũng có nguy cơ này).

 

Trong thời gian mang thai cần đi khám thai theo định kỳ, quan trọng nhất là các tuần 12 - 14, 20 - 22, 30 - 32 để phát hiện các bất thường của thai nghén như nhiễm độc thai nghén, sự bất thường.

 

Trong quá trình mang thai, người mẹ cần ăn chế độ phong phú, đủ chất, tránh các chất kích thích như rượu, bia. Đồng thời nên uống các loại thuốc bổ sung axit foric, sắt, canxi.

 

Xin cảm ơn bà!

 

Hồng Hải