Giấy vệ sinh tấn công lên bàn ăn

Bước vào hàng ăn, vừa ngồi xuống, thực khách liền xé giấy lau bát, đũa... chuẩn bị thưởng thức các món ăn sắp được mang ra. Nhưng lau đi lau lại, bát đũa vẫn không sạch, trái lại còn bẩn hơn vì bụi nát ra từ miếng giấy.

Thật ra, loại giấy đang bày trên bàn ăn là giấy vệ sinh, chỉ dùng trong toilet, nhưng ngày càng nhiều quán ăn bình dân dùng sai chức năng của nó. Chủ quán đặt mỗi bàn một cuộn giấy để trong hộp, và thực khách lấy ra để lau mọi thứ...

 

Nhiều chủ quán để tiết kiệm còn nhập loại giấy vệ sinh kém chất lượng, có màu xám, màu nâu hoặc màu trắng nhưng mặt giấy nhám, loang lổ những tạp chất. Loại sản phẩm này đang được bán tràn lan, không có kiểm soát và giá rất rẻ.

 

"Trường hợp sản phẩm có bụi giấy sẽ ảnh hưởng đến hệ hô hấp của người sử dụng. Hạt bụi to sẽ bám ở phế nang, có hạt không đào thải ra được sẽ chui vào phổi. Màu công nghiệp tiếp xúc với da, cùng với sự bài tiết của mồ hôi sẽ gây dị ứng.

 

Nếu dùng giấy để lau miệng, màu công nghiệp theo đường vào cơ thể sẽ gây hại về sau. Nếu nhà sản xuất cho vào giấy các loại hóa chất chống ẩm mốc sẽ vô cùng nguy hiểm vì có thể gây ung thư", Viện phó Viện Y tế công cộng, Nguyễn Xuân Mai, cho biết.

 

Thậm chí, một bác sĩ phụ khoa cảnh báo, giấy vệ sinh chất lượng kém cũng không nên sử dụng trong toilet, bởi "dễ gây nhiễm trùng các cơ quan sinh dục".

 

Hiện nay chưa có một tiêu chuẩn nhà nước nào về chất lượng giấy vệ sinh. Loại hàng hóa này được sản xuất theo những tiêu chuẩn các doanh nghiệp tự đề ra và công bố chất lượng với cơ quan tiêu chuẩn đo lường chất lượng hàng hóa. Ngay cả loại nguyên liệu, hóa chất được và không được phép sử dụng, việc khử trùng... cũng chưa có quy định cụ thể.

 

Một số cơ sở sử dụng nguyên liệu quá xấu, chủ yếu sử dụng giấy tái sinh để làm nguyên liệu tái chế mà không hề qua xử lý vi sinh, một công đoạn rất quan trọng để bảo đảm vô trùng. Đa số cơ sở chỉ xử lý thủ công đơn giản rồi cho ra thành phẩm.

 

Theo VnExpress