Gian nan hành trình đến với sự sống của trẻ sinh non

(Dân trí) - Cứ 30 giây trôi qua trên thế giới lại có một trẻ sinh non qua đời. Tại Việt Nam trong số 10 trẻ được sinh ra thì có 1 trẻ bị sinh non. Ngoài những thua thiệt về thể chất, tâm thần trẻ sinh non đang phải gánh thêm viện phí.

Những trẻ lọt lòng mẹ ở thời điểm tuổi thai chưa đến 37 tuần với cân nặng dưới 2,5kg được gọi là trẻ sinh non. Khi chức năng của các cơ quan trong cơ thể phát triển chưa hoàn thiện trẻ sinh non phải đối mặt với nhiều nguy cơ có thể dẫn đến tử vong do: Ngạt thở, hạ thân nhiệt, nhiễm trùng, rối loạn chuyển hóa, xuất huyết, vàng da, rối loạn tiêu hóa, dễ bị điếc hoặc bệnh lý vòng mạc dẫn đến mù vĩnh viễn, tâm thần và vận động phát triển kém hơn nhiều so với trẻ sinh thường.

Trẻ sinh non phải đối mặt với những nguy cơ tử vong cao
Trẻ sinh non phải đối mặt với những nguy cơ tử vong cao

Thống kê cho thấy, mỗi năm trên thế giới có 15 triệu trẻ sinh non ra đời, trong đó 1,1 triệu trẻ tử vong (30 giây có 1 trẻ sinh non qua đời) gây ra gánh nặng về nhiều mặt cho xã hội. Sinh non trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh và là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Nhân “Ngày thế giới vì trẻ sinh non (17/11) lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, PGS/TS/BS Ngô Minh Xuân, Chủ tịch hội Chu sinh sơ sinh TPHCM, Trưởng khoa sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ cho biết: “Việt Nam nằm trong 42 nước có tỷ lệ trẻ em tử vong cao nhất thế giới, ước tính khoảng 63.000 trẻ em tử vong hàng năm, trong đó có hơn một nửa là trẻ sơ sinh. Cứ 1,2 triệu trẻ em Việt Nam ra đời thì có tới hơn 100 nghìn trẻ bị sinh non, chiếm khoảng 10%”.

Đa số trường hợp sinh non tự nhiên xuất phát từ các nguyên nhân: Thai phụ mang song thai, đa thai, vỡ ối sớm; hở cổ tử cung, bị u xơ, dị dạng tử cung hoặc bị nhiễm trùng đường tiểu, âm hộ, âm đạo; nhiễm độc trong thai kỳ do nghiện rượu, thuốc lá và chất gây nghiện. Sinh non cũng thường xảy ra ở những bà mẹ có tiền sử bệnh tiểu đường; mang thai khi chưa được 14 tuổi hoặc lớn hơn 40 tuổi; phụ nữ có thai nhưng ăn uống thiếu thốn, phải lao động quá sức…

PGS Ngô Minh Xuân chỉ ra rằng: “Mỗi ngày được ở trong bụng mẹ đợi đến khi ra đời, trẻ phát triển bằng cả tuần nếu phải “tự lập” sớm hơn dự định mà không nhận được sự trợ giúp về chuyên khoa thích hợp”.

Những trẻ kém may mắn này cần được xã hội hỗ trợ nhiều hơn
Những trẻ kém may mắn này cần được xã hội hỗ trợ nhiều hơn

Từ những nguy cơ trên, ông khuyến cáo đến những người đang dự định làm cha mẹ cần nắm một số biện pháp phòng ngừa sinh non tổng quát như: Chế độ chăm sóc tiền sản, đảm bảo khẩu phần hàng ngày cân bằng và đầy đủ, tập thể dục, khám sức khỏe đều đặn và điều trị ngay những bệnh lý có nguy cơ gây sinh non như cao huyết áp, tiểu đường, nhiễm trùng đường tiểu, sốt cao cấp tính… Đặc biệt thai phụ cần tránh lao động quá sức, tránh chấn thương, hạn chế căng thẳng tinh thần, cẩn thận khi dùng thuốc…

Phụ nữ mang thai khi có những triệu chứng báo hiệu của chuyển dạ sinh non như ra dịch âm đạo bất thường, đau thắt lưng, trì nặng bụng, chuột rút, đau quặn ruột có thể kèm tiêu chảy… cần đến bệnh viện kiểm tra để được hỗ trợ kịp thời. Nếu đã sinh non trẻ, cha mẹ cần hợp tác chặt chẽ với bác sĩ để có chế độ chăm sóc trẻ tốt nhất tại bệnh viện và sau xuất viện, để trẻ sinh non đạt cân nặng, bắt kịp tốc độ phát triển như trẻ sinh thường.

Trẻ sinh non đa phần đều rơi vào những hộ gia đình khó khăn nhưng Luật Bảo hiểm xã hội của Việt Nam hiện nay chưa chấp nhận cho trẻ sinh non phải nằm NICU và chữa trị bằng phương pháp kangaroo được hưởng hoàn toàn Bảo hiểm y tế vì cho rằng đây không phải là phương pháp chữa bệnh. Rào cản này khiến cho hành trình tìm đến với sự sống của những bé kém may mắn nói trên càng trở nên khó khăn hơn.

Vân Sơn