Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành, thanh thiếu niên

Hà An

(Dân trí) - Sau 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nước ta đã giảm, bảo đảm tính bền vững của hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá diễn ra ngày 12/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Chủ tịch Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, cho biết, ngày 18/6/2012, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, luật có hiệu lực từ ngày 1/5/2013.

Sau 10 năm thực hiện luật, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện luật ban hành kịp thời, đầy đủ, bảo đảm tính hợp pháp, thống nhất và đồng bộ đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phòng chống tác hại thuốc lá. 

Mạng lưới về phòng chống tác hại thuốc lá thuốc lá được thành lập và duy trì trên toàn quốc.  Công tác truyền thông về tác hại của thuốc lá và xây dựng môi trường không khói thuốc được các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể, các tỉnh, thành phố triển khai trên toàn quốc...

Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành, thanh thiếu niên - 1

Sau 10 năm thực hiện luật, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá đã đạt những kết quả đáng ghi nhận (Ảnh: Trần Minh).

Hoạt động tổ chức cai nghiện thuốc lá được duy trì và đẩy mạnh. Công tác thanh tra, kiểm tra đã có nhiều chuyển biến tích cực. 

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá đã giảm ở cả người trưởng thành và trong thanh thiếu niên, bảo đảm tính bền vững cho công tác phòng chống tác hại thuốc lá của thuốc lá.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan cũng đánh giá công tác phòng chống thuốc lá đã được các cấp, các ngành hưởng ứng tích cực.

Trong thời gian tới, Ủy ban Xã hội sẽ tiếp tục đồng hành cùng với Bộ Y tế và các bộ ngành có liên quan trong việc tham mưu với Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện thể chế, giám sát, tham gia quyết định vấn đề liên quan phòng chống tác hại thuốc lá và quá trình sửa đổi luật phù hợp với tình hình mới. 

Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành, thanh thiếu niên - 2

Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan (Ảnh: Trần Minh).

Công tác phòng chống tác hại của thuốc lá còn nhiều thách thức

Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao, với 38,9% nam giới trên 15 tuổi tại Việt Nam hút thuốc.

Hoạt động của ban chỉ đạo về phòng chống tác hại thuốc lá tại nhiều tỉnh, thành phố và cơ quan đơn vị còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất, chưa phát huy được vai trò của Ban chỉ đạo.

Tình trạng phơi nhiễm với khói thuốc còn khá phổ biến tại các nhà hàng, quán bar và một số nơi tập trung đông người. Những năm gần đây xuất hiện các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa…) với các chiêu thức quảng cáo qua các kênh trên mạng xã hội.

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đang tăng nhanh đặc biệt trong lứa tuổi học sinh...

Ngoài ra, chính sách thuế thuốc lá chưa có nhiều cải thiện, làm giảm hiệu quả các mục tiêu giảm hút thuốc lá tại Việt Nam. 

Kể từ khi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ năm 2013 đến năm 2023, Việt Nam đã thực hiện 2 lần tăng thuế tiêu thụ đặc  biệt đối với thuốc lá. Năm 2016, tăng từ 65% lên 70% và năm 2019, tăng từ 70% lên 75%. 

Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới và các chuyên gia của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các mức tăng thuế này là quá thấp và chỉ có tác động giảm tiêu dùng thuốc lá vào năm tăng thuế sau đó lại tăng trở lại. 

Nguyên nhân chính của giá thuốc lá thấp vì thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp. Theo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi năm 2014, hiện nay Việt Nam đang áp dụng tính thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ là 75% và giá tính thuế là giá xuất xưởng. 

Tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ (bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng) chỉ chiếm 38,8% (năm 2020), thấp hơn so với trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình (59%), bằng một nửa của hầu hết các nước ASEAN (ví dụ như Thái Lan 78,6%, Singapore 67%, Indonesia 62%. 

Thực tế cho thấy các mức tăng thuế thuốc lá giai đoạn 2016-2019 là rất thấp, khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế khá dài nên không tạo ra tác động đủ để giảm sức mua và giảm tiêu dùng. Trong khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn tăng đều đặn hàng năm, nên giá thuốc lá ngày càng rẻ hơn so với thu nhập và trở nên dễ tiếp cận hơn.

Đánh giá chung về tác động tăng thuế giai đoạn 2015-2020 giá thuốc lá vẫn ngày càng rẻ đi so với thu nhập, có tác động rất ít tới tỷ lệ hút thuốc và không thể đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc.

Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần không đạt mục tiêu giảm tiêu dùng và giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới đã được đề ra trong Chiến lược phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020 là 39%.

Bộ Y tế kêu gọi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và tăng cường hơn nữa việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp về phòng chống tác hại thuốc lá. 

Đồng thời Bộ Y tế đề nghị các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp tiếp tục quan tâm và đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực phòng chống tác hại của thuốc lá;

Bộ Y tế cũng đề nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và sớm ban hành nghị quyết cấm các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.