Giảm tải tại các bệnh viện - Bài toán nan giải?

(Dân trí) - Tình trạng quá tải tại các bệnh viện đã được phản ánh nhiều và đã có những biện pháp giải quyết thực trạng này nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Bệnh nhân nhiều, bệnh viện ít...

 

Ông Trần Bình Giang, Phó Giám đốc BV Việt Đức cho biết, trung bình mỗi ngày tại đây tiếp đón khoảng 250 bệnh nhân cả tai nạn thương tích và bệnh lý. Bệnh viện chỉ được giao chỉ tiêu khoảng 450 giường bệnh nhưng trên thực tế đã phải tăng thêm 400 giường bệnh nữa. Vậy mà, số giường bệnh trên vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

 

Sự quá tải của BV Việt Đức khiến tiền sảnh dành cho người nhà bệnh biến thành nơi tập trung giường bệnh. Dù đã vào cuối giờ chiều, tại tiền sảnh vẫn có khoảng 5 bệnh nhân đang nằm trên cáng. "Tôi vừa được các bác sĩ ở đây sơ cứu vết thương. Vì phòng bệnh chật cứng bệnh nhân nên tôi phải nằm ở đây để chờ", anh Lê Thanh Hà, bệnh nhân bị gãy xương đùi cho biết.

 

Giải thích về tình trạng trên, bác sĩ Dương Trọng Hiền, phòng kế hoạch tổng hợp của BV Việt Đức cho biết, sự quá tải tập trung nhiều nhất ở Khoa Chấn thương. Vì nguồn nhân lực và trang thiết bị ở đây có hạn nên không thể cùng một lúc chăm sóc hết các bệnh nhân. Do vậy, các bác sĩ thường ưu tiên khám chữa bệnh cho những bệnh nhân nặng, nghiêm trọng tới tính mạng. Sau đó, mới tiếp tục khám chữa cho các bệnh nhân tiếp theo.

 

"Sự phát triển về cơ cấu dân số, kinh tế - xã hội, giao thông đô thị... đã làm gia tăng các vụ tai nạn thương tích khiến lượng bệnh nhân tăng lên là điều dễ hiểu. Vậy mà, trong 10 năm qua, số BV Nhà nước mới ra đời không nhiều. Điều đó khiến các BV đầu ngành, BV Trung ương thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải", bác sĩ Hiền tỏ ra bức xúc.

 

Cũng theo bác sĩ Hiền, để giảm tải tại các BV Trung ương, ngoài việc nâng cấp và xây thêm nhiều BV, cần tăng cường đầu tư nguồn nhân lực, các trang thiết bị và nâng cấp phòng bệnh cho các BV ở tuyến địa phương. Đặc biệt, các BV cần tạo môi trường làm việc tốt, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng với các bác sĩ để từ đó thu hút nguồn nhân lực cần thiết. Thế nhưng...

 

Đề án giảm tải có tìm ra lối thoát?

 

Tại BV Việt Đức, ông Giang cho biết, BV đang triển khai đề án vệ tinh với sự liên kết với các BV là Đa khoa Bắc Ninh, Nam Định,  Phú Thọ, Việt Tiệp Hải Phòng và  Đa khoa Sơn Tây. BV Việt Đức là nơi đầu tiên triển khai đề án giảm tải. Mục đích của đề án này là tăng cường năng lực cấp cứu cho các bác sĩ và cung cấp các trang thiết bị ngoại khoa cho các BV ở tuyến địa phương. Đề án tập trung đào tạo nguồn nhân lực được chia thành 2 giai đoạn.

 

Đầu tiên, BV Việt Đức trực tiếp cử người xuống các BV địa phương để trực tiếp đào tạo cho các bác sĩ ở đây. Bước tiếp theo, ngay tại BV Việt Đức mở 8 lớp đào tạo cho bác sĩ phẫu thuật về thần kinh, tim mạch, cấp cứu tiêu hóa, chấn thương, gây mê và đào tạo điều dưỡng viên phụ mổ và phục vụ sau mổ.

 

Mỗi lớp đào tạo khoảng 20-25 bác sĩ và 50 kỹ thuật viên trong thời gian 3 tháng. Dự kiến, đề án này sẽ kết thúc vào năm 2007. "Nếu đề án này tiến triển một cách thuận lợi, người bệnh sẽ được hưởng chế độ khám chữa bệnh một cách tốt nhất ngay tại địa phương mình mà không cần phải chuyển lên tuyến trên. Và như vậy, các BV tuyến Trung ương sẽ không bị quá tải", ông Giang khẳng định.

 

Vấn đề quá tải không chỉ xảy ra đối với BV Việt Đức, mà ở hầu hết các BV đầu ngành, BV Trung ương thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, tại thời điểm này mới chỉ có BV Việt Đức quan tâm và đưa ra đề án giảm tải.

 

Theo bác sĩ Hiền, trước khi triển khai đề án BV vệ tinh, để giảm tải, BV Việt Đức đã tổ chức rất nhiều khóa đào tạo cho các bác sĩ ở nhiều BV địa phương trên cả nước nhưng kết quả cho thấy, số bệnh nhân tại các BV này được chuyển đến BV Việt Đức vẫn không giảm. 

 

Trước thực tế trên, ngay đến một quan chức của Bộ Y tế cũng phải thốt lên, trong lúc nhiều BV đang kêu gào về tình trạng quá tải và người bệnh vẫn xếp hàng để chờ điều trị, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp và xây dựng mới một số BV đến thời điểm này vẫn triển khai một cách chậm chạp. Hiện, cũng chỉ có BV Việt Đức "tiên phong" trong việc liên kết các BV tuyến địa phương để thực hiện đề án giảm tải. Tuy nhiên, kết quả của đề án mà BV Việt Đức đang triển khai ra sao vẫn còn phải chờ.

 

Phạm Thanh