Giá thuốc “đội” lên 20 lần khi đến tay người dân

Tại phiên họp giải trình của Bộ Y tế về quản lý giá thuốc, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội (Quốc hội), bức xúc: “Chi phí sản xuất viên thuốc có 1 đồng nhưng tới tay người dân bị đẩy giá lên gấp 20 lần là điều không thể chấp nhận”.

  

Giá thuốc “đội” lên 20 lần khi đến tay người dân - 1

Không chỉ khâu kinh doanh mà từ khâu sản xuất, giá thuốc đã bị thao túng (Ảnh chỉ có tính chất minh họa)
 
Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang thừa nhận đưa ra cơ chế quản lý giá thuốc cho hiệu quả nhưng các bộ, ngành vẫn không thực hiện được các giải pháp do chính mình đặt ra. Hơn thế, 5 năm đã qua kể từ khi Luật dược ban hành nhưng công tác quản lý giá thuốc vẫn đang loay hoay với hoa hồng cho bác sĩ kê toa, quản lý giá thuốc trong bệnh viện, đấu thầu thuốc, chưa có thặng số bán buôn, giá thuốc đặc trị, chuyên khoa vẫn khó quản lý...

 

Khó quản vì... khuyến mãi?

 

Ông Quang cho biết các bệnh viện (BV) đã có biện pháp nhằm tránh tình trạng bác sĩ được ăn hoa hồng, tự ý kê bệnh án “lạ” nhưng ngoài BV, việc kiểm soát còn hạn chế.

 

DN chỉ được khuyến mãi trong vòng 90 ngày, làm ở nơi nào phải xin phép Sở Công Thương nơi đó. Tuy nhiên, có một nghịch lý trong khuyến mãi thuốc hiện nay là bệnh nhân, khách hàng quan trọng nhất của sản phẩm, lại không được hưởng khuyến mãi mà khâu trung gian phân phối sản phẩm là các nhà thuốc, thầy thuốc được hưởng.

 

Hơn nữa, một số thuốc đặc trị đã tăng giá từ ngoài biên giới, nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý, chủ yếu do nhà cung ứng áp đặt, dẫn đến tình trạng giá thuốc cao. Trong khi đó, hiện VN nhập khẩu 90% nguyên liệu phục vụ sản xuất thuốc và trên 50% thuốc sử dụng với trên 22.000 mặt hàng và hơn 1.500 hoạt chất nên rất khó đưa ra một khung giá chung để quản lý và kiểm soát.

 

Còn ông Nguyễn Quốc Triệu - Bộ trưởng Bộ Y tế đề xuất: “Cơ quan quản lý giá thuốc đòi hỏi phải có chuyên môn sâu về lĩnh vực kinh tế tài chính, Bộ Y tế đề nghị tới đây, Chính phủ, Quốc hội nên xem xét giao nhiệm vụ quản lý giá thuốc sang Bộ Tài chính, lúc đó Bộ Y tế sẽ phối hợp thực hiện”.

 

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị Bộ Công Thương sớm có quy định riêng về khuyến mãi thuốc. Bà Mai còn đề nghị Bộ Y tế cần công khai, minh bạch giá đấu thầu thuốc, xây dựng thặng số bán buôn tối đa. Tới đây, cần có cơ chế để BHXH VN tham gia đấu thầu thuốc ở BV.

 

Vẫn chưa có giá thuốc tối đa

 

Theo bà Trịnh Thị Lê Trâm, nguyên phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, Luật dược và các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện có quy định định kỳ 6 tháng - 1 năm, cơ quan quản lý nhà nước phải công bố giá tối đa các loại thuốc do ngân sách nhà nước chi trả. Thế nhưng đến nay chưa có công bố giá thuốc tối đa định kỳ 6 tháng hay một năm như quy định. Một quy định không rõ ràng nữa cũng gây thiệt thòi cho người dân là việc kê khai giá thuốc bán buôn nhưng không quy định rõ là giá bán buôn nào, lần 1 hay lần 2?

 

Giá thuốc ở nhà thuốc bệnh viện có khi cao hơn thị trường vì quy định lấy giá bán buôn cộng với thặng số lãi 5-10%, nhưng không quy định đó là giá bán buôn lần 1. Không quy định rõ như vậy, người ta lấy giá mua bán lòng vòng để tính thì giá thuốc bị đẩy lên cao, người bệnh lãnh đủ.

 

Bên cạnh đó, website của Cục Quản lý Dược có công bố giá trúng thầu gần nhất để người dân và bệnh viện so sánh giá, nhưng theo bà Trâm, kiểu công bố này còn khiến người dân khó so sánh.

 

Theo bà Mai, Bộ Y tế đề xuất sửa Luật dược, nhưng trước mắt cần tập trung hoàn thành những hướng dẫn đang có. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính có quy định riêng về đấu thầu thuốc, vì không thể lấy quy định đấu thầu hàng hóa nói chung áp dụng cho mặt hàng thuốc rất đặc thù. Đồng thời tập trung quản lý giá thuốc chuyên khoa, thuốc đặc trị, thuốc mới.

 

Sẽ có hướng dẫn thay đổi cách quản lý giá thuốc:

 

Dự thảo bổ sung, sửa đổi thông tư liên tịch hướng dẫn quản lý nhà nước về giá thuốc do liên bộ Y tế - Tài chính vừa công bố quy định cơ sở kinh doanh thuốc phải thực hiện đầy đủ các quy định về kê khai, kê khai lại và niêm yết giá thuốc. Dự thảo còn bổ sung đối tượng phải thực hiện kê khai giá thuốc là các đơn vị ủy thác nhập khẩu, cơ sở khám - chữa bệnh có dùng ngân sách và quỹ BHYT để mua thuốc. Theo dự thảo, lần đầu tiên quy định về thặng số bán buôn toàn chặng với thuốc cung ứng cho các cơ sở khám - y tế chi trả sẽ được áp dụng.

 

Theo Hạnh My

Diễn đàn doanh nghiệp