Gia tăng trẻ mắc tật khúc xạ, có lớp 65% học sinh đeo kính

Nam Phương

(Dân trí) - Theo bác sĩ nhãn khoa, có lớp học ở Hà Nội tỷ lệ trẻ đeo kính lên đến 65%, qua thăm khám sàng lọc phát hiện thêm gần 10% trẻ nữa mắc tật khúc xạ.

Chia sẻ bên lề hội thảo khoa học: Phẫu thuật tật khúc xạ - Cập nhật các kỹ thuật mới trên thế giới diễn ra ngày 26/5 tại Hà Nội, ThS.BS Đặng Thị Như Quỳnh, chuyên gia nhãn khoa cho biết, từ khi dịch Covid-19 lắng xuống, số trẻ đến khám do mắc các tật khúc xạ có xu hướng tăng lên. Trước đây, vào dịp nghỉ hè, trước nghỉ Tết, ngày cuối tuần cha mẹ thường đưa con đi khám. Tuy nhiên, hiện nay trong ngày thường số trẻ đến khám đã rất đông.

"Bên cạnh đó, qua công tác khám tại một số trường học trong nội thành, chúng tôi cũng nhận thấy sự gia tăng số trẻ mắc tật khúc xạ. Có lớp tỷ lệ đeo kính lên đến 65% học sinh, qua thăm khám chúng tôi phát hiện thêm gần 10% trẻ mắc tật khúc xạ. Tỷ lệ trẻ mắc tật khúc xạ rất lớn sau một thời kỳ trẻ học online, không được giải trí ngoài trời…", BS Quỳnh nhấn mạnh. 

Gia tăng trẻ mắc tật khúc xạ, có lớp 65% học sinh đeo kính - 1

ThS.BS Đặng Thị Như Quỳnh (Ảnh: N.P).

Theo bác sĩ có nhiều nguyên nhân gây nên tật khúc xạ ở trẻ như: Nhìn gần tập trung trong thời gian dài như khi xem điện thoại, tivi...; thường xuyên học tập trong môi trường ánh sáng không đủ, tư thế ngồi không đúng hay cúi sát mặt vào bàn học… Ngoài ra, có một tỷ lệ rất nhỏ do di truyền từ bố, mẹ; cấu trúc bất thường của giác mạc và thủy tinh thể. 

"Việc học nhiều không phải là yếu tố quá quan trọng khiến trẻ dễ mắc tật khúc xạ. Điều quan trọng trẻ cần được trang bị kiến thức sử dụng mắt đúng cách", BS Quỳnh nhấn mạnh. 

Ngoài ra, phụ huynh cần kết hợp với nhà trường theo dõi tốt sự tiến triển của mắt ở trẻ. Các bác sĩ luôn khuyến cáo cha mẹ đưa trẻ đi khám định kỳ, tuy nhiên nhiều bố mẹ vì bận nên quên mất lịch khám. Hậu quả là trẻ đeo kính thiếu số, mắt điều tiết tăng lên, trẻ càng cúi gằm mặt, từ đó làm gia tăng nguy cơ tăng số nhanh. Thường sau nửa năm đến một năm độ cận của trẻ tăng 0,5-1 đi-ốp. Việc trẻ đeo kính đúng số sẽ hạn chế việc tăng độ cận. 

Theo BS Quỳnh, hiện y học có nhiều biện pháp hỗ trợ nhằm làm giảm sự gia tăng độ cận như một số thuốc ức chế điều tiết mắt hay đeo kính áp tròng ban đêm… Chỉ định phẫu thuật chỉ được đặt ra khi trẻ lớn hơn, đã trưởng thành. Lý do, ở tuổi học đường, trẻ vẫn phát triển về tổ chức nhãn cầu, tật khúc xạ vẫn tiến triển, nếu phẫu thuật thì nguy cơ tái cận rất cao. 

Gia tăng trẻ mắc tật khúc xạ, có lớp 65% học sinh đeo kính - 2

Bác sĩ sẽ căn cứ nhiều yếu tố để chỉ định phẫu thuật (Ảnh: N.P).

Vì thế, thường mốc được đặt ra chỉ định mổ mắt là 18 tuổi, tuy nhiên nếu lúc này tật khúc xạ vẫn chưa ổn định thì cũng chưa mổ được. Ngoài ra, bác sĩ còn phải căn cứ trên tình trạng của giác mạc, nhãn cầu, đáy mắt… xem có gì bất thường không để đưa ra chỉ định phẫu thuật (phẫu thuật laser hoặc phẫu thuật không laser). 

Quy tắc 20-20 và 2-20 giúp mắt nghỉ ngơi

Quy tắc này bao gồm 2 phần:

20 - 20: Sau khi nhìn màn hình 20 phút thì nhìn xa và đếm chậm đến 20. Bởi vì mắt cần ít nhất 20 giây để thư giãn hoàn toàn. Trong lúc đếm đến 20, trẻ có thể tranh thủ uống nước vì khi cơ thể được cung cấp nước đầy đủ sẽ giúp mắt đỡ khô hơn. 

2-20: Sau khi làm việc 2 tiếng trên thiết bị điện tử máy tính thì nên nghỉ ngơi từ 15 đến 20 phút và vận động trước khi quay lại sử dụng.

Hoặc đơn giản có thể áp dụng quy tắc 20-20-20. Nghĩa là đọc sách 20 phút lại cho mắt nghỉ ngơi 20 giây và nhìn xa 20 feet (tương đương 6m). 

Cha mẹ lưu ý trẻ không đọc sách ở khoảng cách gần, khoảng cách thích hợp từ mắt đến sách đọc khoảng 30-40cm là tốt nhất. Trẻ cũng cần có chế độ giải lao, vui chơi giải trí (ngoài trời) và dinh dưỡng hợp lý.