Gần 90% bệnh nhân ngộ độc bị rối loạn tâm thần

(Dân trí) - GS.TS Nguyễn Thị Dụ, Giám đốc Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, có đến 80 - 90% bệnh nhân bị ngộ độc do: hoá chất, rượu, ăn nấm độc, uống thuốc quá liều lượng, bị đầu độc, rắn độc cắn, ong đốt… sau khi điều trị đều bị rối loạn tâm thần, trầm cảm.

Cần sơ cứu nhanh

 

Theo TS Dụ, với những trường hợp bị ong đốt, do trong nọc ong có chứa các enzim, prôtêin lạ gây vỡ hồng cầu (tan máu), hoại tử tế bào, tổn thương thận, gan và gây dị ứng nên bệnh nhân thường nhập viện trong tình trạng rất nặng.

 

Trong tất cả các loài ong, nguy hiểm nhất là ong vò vẽ. Với những trường hợp bị ong đốt trên 10 nốt sẽ gây sốc phản vệ.

 

Theo GS.TS Dụ, với những trường hợp bị nhiều nốt ong đốt, cần lập tức sát cồn hoặc vôi loãng vào vết thương. Sau đó, cho bệnh nhân uống thuốc giảm đau và uống nhiều nước để loại thải các độc tố.

 

Nếu được sơ cứu nhanh, kịp thời loại bỏ độc tố, người bệnh sẽ hồi phục và không để lại di chứng. Còn với những trường hợp ong đốt nhiều, sơ cứu muộn, có thể được cứu sống nhưng nhiều khả năng bị một số di chứng do thiếu ôxy não. Đó thường là những di chứng về thần kinh, rối loạn, trầm cảm.

 

Với các trường hợp ngộ độc thuốc (thường là tự tử), nguy cơ bị những rối loạn về tâm thần thường cao hơn. BS Bế Hồng Thu cho biết, mới đây, Trung tâm chống độc tiếp nhận trường hợp bệnh nhân Đỗ Thị T. (23 tuổi, Hoàng Mai, HN) đã uống thuốc paracetamol để tự tử do chán nản vì bệnh tật. Dù bệnh nhân này đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần và được điều trị nhưng vẫn còn những di chứng về thần kinh vẫn còn.

 

Theo BS Thu, những bệnh nhân uống thuốc ngủ, thuốc an thần, paracetamol quá nhiều để tự vẫn, ngoài việc thuốc ảnh hưởng đến thần kinh thì những bệnh nhân này cũng phải chịu một sức ép rất lớn về tâm lý.

 

“Sau khi tự tử, do mặc cảm, sợ người khác nhìn mình với con mắt khác, những bệnh nhân này thường sống thu mình, khi đó, rất dễ bị stress, cáu gắt, trầm cảm, thậm chí là những rối loạn hành vi, hoang tưởng…

 

Những bệnh nhân này càng được cấp cứu chậm càng có nguy cơ để lại những di chứng về thần kinh sau điều trị. Nhất là ở những bệnh nhân ngộ độc nặng dẫn đến hôn mê sâu, thở chậm và nông, khò khè… khiến não không được cung cấp ôxy đầy đủ là nguyên nhân gây nên những di chứng về thần kinh.

 

Điều trị khó khăn

 

Theo GS.TS Dụ, việc điều trị rối loạn tâm thần cho những bệnh nhân này hết sức vất vả. Kết quả điều trị nhanh hay chậm đều tuỳ vào mức độ bị ngộ độc và hoàn cảnh dẫn đến ngộ độc. Như những trường hợp ngộ độc rượu, do uống quá nhiều rượu tự nấu, thường có tỉ lệ các độc tố, đặc biệt là Alđêhyt axetic chiếm tới 253 mg/l là một chất có thể gây ung thư gan, gây ảnh hưởng đến thần kinh, vận động, gây những rối loại về trí tuệ, hành vi…

 

Với những bệnh nhân nhẹ chỉ phải điều trị khoảng 1-2 tuần nhưng cũng có nhiều bệnh nhân nặng phải điều trị hàng tháng, thậm chí hàng năm. Như trường hợp của một bệnh nhân ở Thái Bình, do không có khả năng sinh con đã bơm thuốc trừ sâu và người để tự vẫn. Kết quả là ngoài điều trị những vùng bị hoại tử do thuốc, các bác sĩ cũng rất khó khăn trong việc giúp bệnh nhân ổn định tâm lý bởi sự chán nản không sinh được con và bị các vết hoại tử gây đau đớn.

 

Duy nhất chỉ có những trường hợp bị ngộ độc thức ăn (chiếm nhiều nhất trong số các ca ngộ độc) là không để lại di chứng sau khi điều trị. Kết luận trên được đưa ra sau khi tổng kết những trường hợp vào điều trị tại Trung tâm chống độc (TTCĐ) bệnh viện Bạch Mai trong những năm qua. 

Hồng Hải