Gần 200 nghìn dụng cụ chứa nước có bọ gậy được phát hiện

(Dân trí) - Trong hai ngày ra quân đầu tiên của các đội xung kích diệt bọ gậy, đã có gần 200 nghìn dụng cụ chứa nước có bọ gậy được phát hiện tại hơn 567 nghìn hộ gia đình. Điều này cho thấy, cứ 3 gia đình được kiểm tra thì có hơn 1 gia đình có ổ chứa giúp muỗi truyền sốt xuất huyết đẻ trứng.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, đến hết ngày 13/8 tất cả 584 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện đã thành lập các Đội xung kích diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết.

Ít người để ý một chiếc lốp xe cũ, đặt lặng lẽ nơi góc vườn lại là nơi nước đọng, ưa đẻ trứng của muỗi truyền bệnh SXH. Ảnh: H.Hải
Ít người để ý một chiếc lốp xe cũ, đặt lặng lẽ nơi góc vườn lại là nơi nước đọng, ưa đẻ trứng của muỗi truyền bệnh SXH. Ảnh: H.Hải

Toàn thành phố đã thành lập được 25.620 Đội xung kích diệt bọ gậy với 62.362 người tham gia; 4480 tổ giám sát với 9340 người. Các đội xung kích phụ trách gần 1,8 triệu hộ gia đình. Tất cả các đội xung kích và tổ giám sát đã được tập huấn về chuyên môn kỹ thuật xong trước ngày 11/8.

Sau khi được tập huấn, trong hai ngày sau đó các đội xung kích bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ, đến hơn 567 nghìn hộ gia đình, kiểm tra gần 1,3 triệu dụng cụ chứa nước, phát hiện 190.649 dụng cụ chứa nước có bọ gậy.

Tất cả các dụng cụ chứa nước nhỏ có bọ gậy đã được xử lý bằng cách lật úp, thu gom và thả cá gần 40.000 con cá vào các dụng cụ chứa nước lớn, bể cây cảnh, hòn non bộ.

Theo các chuyên gia, việc phun thuốc diệt muỗi sẽ không thể dập dịch hoàn toàn nếu vẫn tồn tại ổ lăng quăng trong các hộ dân. Chỉ còn một ổ loăng quăng trong gia đình, muỗi lại có nguy cơ bùng phát.

Bởi một con muỗi cái có thể đẻ đến 200 trứng, đẻ ra 200 loăng quăng, bọ gậy rồi phát triển thành muỗi. Nên nếu chỉ diệt muỗi trưởng thành này mà không diệt ở loăng quăng thì như diệt muỗi như “muối bỏ bể”.

Vì thế, để ngăn chặn được sốt xuất huyết, tại mỗi gia đình cần chủ động dọn dẹp, không để các vật dụng chứa nước khiến muỗi có môi trường đẻ trứng.

Hồng Hải