Đường tác động đến não như thế nào?

(Dân trí) - Não kiểm soát cảm giác đói nhiều hơn ta tưởng.

Các tế bào não – loại tế bào tiêu thụ đường cao nhất trong số các cơ quan trong cơ thể - cũng kiểm soát sự trao đổi chất và cảm giác đói.
Các tế bào não – loại tế bào tiêu thụ đường cao nhất trong số các cơ quan trong cơ thể - cũng kiểm soát sự trao đổi chất và cảm giác đói.

Não chủ động lấy đường từ máu, đó là phát hiện của các nhà khoa học Đức, trong một nghiên cứu mà có thể đưa đến những tiến bộ trong điều trị bệnh tiểu đường và béo phì.

Theo các nhà nghiên cứu ở trường Đại học Kỹ thuật Munich, các tế bào não - vốn tiêu thụ đường cao nhất trong số các cơ quan trong cơ thể - cũng kiểm soát sự trao đổi chất và cảm giác đói nhiều hơn trước đây chúng ta vẫn nghĩ.

Trước nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell này, hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng sự di chuyển của đường vào não là một quá trình hoàn toàn thụ động.

Nhưng kết quả cho thấy các tế bào não có thể là đóng vai trò quan trọng hơn trong việc điều hòa sự trao đổi chất so với dự đoán trước đây, một kết luận có thể mở ra hướng đi tới việc chữa khỏi nhiều căn bệnh liên quan đến chế độ ăn uống thông thường.

Matthias Tschöp, Giám đốc Khoa Bệnh chuyển hóa, phát biểu: "Kết quả của chúng tôi lần đầu tiên cho thấy các quá trình hành vi và trao đổi chất thiết yếu không phải chỉ được điều hòa nhờ các nơ-ron mà nhiều loại tế bào khác trong não, chẳng hạn như tế bào hình sao, cũng đóng một vai trò quan trọng. "Điều này tiêu biểu cho sự thay đổi mô hình và có thể giúp giải thích tại sao cho đến này rất khó tìm ra loại thuốc đủ hiệu quả và an toàn để điều trị bệnh tiểu đường và béo phì". Sử dụng chụp cắt lớp phát positron, một kỹ thuật hình ảnh đặc biệt, các nhà nghiên cứu có thể chứng minh những hoóc môn như insulin và leptin tác động đặc hiệu lên những tế bào não này để điều hòa sự hấp thu đường vào não - như một "công tắc đường". Các nhà nghiên cứu thấy rằng mất thụ thể insulin trên bề mặt của tế bào sao dẫn đến giảm hoạt động kiềm chế hấp thu thức ăn trong tế bào thần kinh – vốn là một phần của cơ chế não điều hòa sự trao đổi chất. Theo các nhà khoa học, nghiên cứu sâu sẽ được thực hiện để hiệu chỉnh mô hình chuyển hóa và hấp thu thực phẩm “thuần túy nơ-ron” kiểu cũ nhằm tích hợp khái niệm trong đó tế bào hình sao trong não cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Lượng đường trong thức ăn và nước uống Hiểu rõ hơn về sự tương tác giữa các tế bào sẽ mở ra những hướng mới để kiềm chế “nghiện đường” và điều trị tốt hơn cho vấn đề bệnh béo phì và tiểu đường đang ngày càng gia tăng. Cristina García-Cáceres, chuyên gia về sinh học thần kinh tại Trung tâm Tiểu đường Helmholtz Munich và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "Chúng ta còn rất nhiều việc phía trước, nhưng ít nhất bây giờ chúng ta đã có một ý kiến tốt hơn để xem xét". Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi tháng 4 cho thấy số người mắc bệnh tiểu đường trên thế giới đã tăng gấp bốn lần trong suốt 35 năm qua. 150 quốc gia đã xây dựng những "mục tiêu đầy tham vọng " trong việc giảm 1/3 các bệnh không lây nhiễm, như bệnh tiểu đường, theo Chương trình mục tiêu phát triển bền vững 2030.

Cẩm Tú

Theo Independent