Đừng sợ say tầu xe

(Dân trí) - Rất muốn về quê cùng chồng để ăn tết nhưng không thể vượt qua nỗi sợ hãi say xe. Hễ bước lên tàu xe là Mai thấy lảo đảo, chóng mặt, đau đầu thậm chí phát ốm khi trở về.

Ăn tết một mình vì sợ ô tô

Giáp tết, tiễn chồng con ra bến xe về quên ăn Tết với ông bà nội ở Thái Bình, Mai lại thấy tủi thân vô cùng. 6 năm lấy chồng, số lần về quê chồng chỉ mới dừng lại ở con số... 2. Không phải vì cô ghét bỏ gia đình nhà chồng mà vì quá sợ nỗi khổ say xe.
 
Hễ bước lên tầu hay xe là Mai thấy lảo đảo, chóng mặt, đau đầu, liên tục buồn nôn. Lần về quê ăn tết trước đó, Mai đã làm đủ thứ để chống say xe như dán miếng cao vào rốn, thái dương, gan bàn tay... nhưng kết quả thì cô vẫn ngất ngưởng, khổ sở suốt chuyến đi. Kết quả là về đến nơi cô nằm bẹp suốt mấy ngày.

Cũng có chung nỗi sợ say xe như Mai nhưng cô sinh viên Thuỷ bắt buộc phải về Nam Định mỗi khi tết đến. Mỗi lần như vậy đối với Thuỷ thực sự là cực hình. Thuỷ đã mấy lần thử uống những loại thuốc chống say xe nhưng việc dùng thuốc rất phiền hà vì phải uống trước khi lên xe 30 phút nên không phải lúc nào cũng nhớ ra để dùng.Vả lại, cảm giác lơ mơ khi uống thuốc cũng khó chịu chẳng kém gì bị say xe. Giờ cô lựa chọn cách nhịn ăn uống rồi bịt chặt khẩu trang trước khi lên xe “ngất ngây” trên xe cho đến lúc về, mặc cho diễn biến xung quanh có diễn ra thế nào.

Say xe nhiều khi do tinh thần

Theo BS Nguyễn Quang Huy, BV Tai - Mũi - Họng TƯ, nguyên nhân chủ yếu gây say tàu xe là sự kém thích ứng của tiền đình với sự thay đổi vị trí của cơ thể một cách không có quy tắc. Trong hoạt động hằng ngày, chúng ta quen đi lại trên mặt đất bằng, không quen với sự tròng trành. Sự thay đổi phương hướng và tốc độ vận động khác nhau đều gây kích thích đối với cơ quan tiền đình ở tai trong. Thông thường những người ít hoặc lần đầu đi tàu xe dễ bị cảm giác say hơn những người phải đi lại thường xuyên.

Khi lên tầu xe, tức là thay đổi cảm giác, người khoẻ sẽ nhanh chóng thích nghi. Còn  những người yếu sẽ thấy tình trạng váng đầu, buồn nôn và nôn. Có khoảng 30% người lớn (nữ nhiều hơn nam) bị chứng say tàu xe.

Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp nhiều trường hợp say xe là do tinh thần (luôn trong tình trạng sợ lên ô tô, tầu hoả, máy bay và cho rằng mình sẽ bị say). Bên cạnh đó, những người mẫn cảm với các mùi khác lạ như: xăng ôtô, khói thuốc lá, mồ hôi của người khác... cũng dễ bị “đơ” khi di chuyển. Một số người khác lại tự làm mình say xe do ăn uống quá nhiều, hoặc để mình quá đói.

Khắc phục say xe không khó

"Thường xuyên di chuyển bằng tầu xe sẽ nâng cao khả năng thích ứng của cơ quan tiền đình đối với vận động thay đổi. Sau một thời gian như vậy, cảm giác say xe sẽ giảm nhiều và thậm chí không còn nữa" - Đó là lời khuyên của các chuyên gia dành cho những người sợ say tầu xe.

Trong điều kiện phải đi xa bằng tầu xe, bạn hãy chuẩn bị cho mình một thể lực và tinh thần thoải mái thì nỗi sợ hãi say xe sẽ không còn cơ hội đè nặng. Cần ăn uống đầy đủ, tránh hiện tượng quá đói dẫn đến hạ đường huyết những cũng không nên ăn quá no hoặc dùng những thức ăn khó tiêu như dừa, trứng, lạc.

Khi đi tầu xe, nên mặc trang phục thoải mái để khí huyết lưu thông và không nên bịt khẩu trang bởi kiểu bịt chặt như vậy càng khiến bạn thêm khó thở và mệt mỏi. Cách khắc phục cho những trường hợp mẫn cảm với mùi xăng, mùi mồ hôi là chọn những chiếc xe chất lượng tốt, được vệ sinh sạch sẽ. Hãy chuẩn bị cho mình một ít trái cây có mùi thơm như cam, quýt, dứa. Những loại trái cây chứa nhiều vitamin C sẽ giúp bạn đỡ khát và nâng cao thể lực, còn tinh dầu từ vỏ cam, quýt sẽ giúp bạn tỉnh táo.

Nếu có bạn đồng hành, hãy trò chuyện vui vẻ. Những câu chuyện vui sẽ giúp bạn cảm thấy quãng đường không còn dài lê thê và quên đi cảm giác khó chịu. 

Trong Đông y cũng phổ biến một số cách phòng chống bị say xe mà không cần dùng thuốc như: uống nước gừng hoặc ngậm gừng trong lúc đi tầu xe giúp tránh được những cơn khó chịu. Ngoài ra còn có thể dùng ngón tay (cái hoặc trỏ) day nhẹ hai huyệt thái dương (sau đuôi mắt) để khống chế cảm giác muốn say.

P. Thanh