Đừng để đất nước bị nghèo hóa vì chi phí y tế

(Dân trí) - Trong lúc đời sống còn nhiều khó khăn, bảo hiểm y tế mới bao phủ hơn 70% dân số, chi phí y tế cao đang là nguyên nhân trực tiếp gây nghèo hóa đất nước. Tham gia bảo hiểm y tế như chiếc bùa hộ mệnh để thoát khỏi bẫy nghèo đói cho cộng đồng.

Đó là phân tích của GS.TS Khoa học Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế; Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam.

Bẫy nghèo bệnh tật luôn giăng sẵn

Mô hình bệnh tật ở con người không ngừng phát triển theo chiều hướng gia tăng và nguy hiểm hơn. Cùng với các loại bệnh lây nhiễm, xã hội hiện đại đang phải đối mặt với những loại bệnh mạn tính không lây. Môi trường ô nhiễm, thực phẩm tồn dư hóa chất nguy hại kết hợp với ăn uống thiếu lành mạnh, lười vận động của cộng đồng… đã tạo cơ hội cho các loại bệnh từ thông thường đến bệnh hiểm nghèo tấn công mọi lứa tuổi.

GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng: Cái bẫy nghèo của bệnh tật luôn giăng sẵn
GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng: "Cái bẫy nghèo của bệnh tật luôn giăng sẵn"

Bằng chứng rõ nét nhất cho thực tế trên là tình trạng quá tải ngày càng trầm trọng đang diễn ra tại các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện tuyến cuối trên cả nước. Lý giải cho nỗi thống khổ mà cộng đồng đang phải gánh chịu, GS Phạm Mạnh Hùng cho rằng: “Đây là hệ quả tất yếu từ sự chủ quan và coi thường việc chăm sóc sức khỏe của người dân, khi khỏe mạnh thì ăn nhậu thả phanh, đến khi bệnh xuống mới ăn năn nhưng đã muộn.”

“Cái bẫy nghèo của bệnh tật luôn giăng sẵn, rình rập con người ngay từ khi chưa sinh ra cho đến lúc chết đi. Cả cuộc đời không ai là người có thể thoát khỏi nó. Với những người chỉ mắc các chứng bệnh thông thường, chi phí điều trị cũng tốn vài triệu cho đến vài chục triệu. Nhưng những người mắc bệnh nan y, chi phí điều trị có thể lên tới hàng trăm triệu thậm chí hàng tỷ đồng. Dù có bán nhà, vay nợ nhưng người bệnh chưa chắc đã toàn mạng, nếu may mắn qua được thì cũng mất sức lao động, trở thành gánh nặng, ảnh hưởng đến mưu sinh của gia đình và xã hội”.

Theo GS Mạnh Hùng: Năm 2006, Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới thực hiện nghiên cứu đo lường đói nghèo do chi phí y tế (chỉ số Impoor và chi số CATA). Kết quả chỉ ra, Việt nam rơi vào nhóm những nước có chỉ số nghèo đói do chi phí y tế cao nhất thế giới. Chi phí về khám chữa bệnh cao như hiện nay đang là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự nghèo hóa của đất nước. Tuy nhiên, trên thực tế Chính phủ chưa mang các chỉ số đo được để đánh giá cụ thể về mức độ nghèo đói do chi phí khám chữa bệnh gây ra.

Bảo hiểm y tế - Giải pháp thoát bẫy nghèo

Đến năm 2015, bảo hiểm y tế mới đạt độ bao phủ hơn 70% dân số, còn khoảng 30% người dân trên cả nước chưa có bảo hiểm, trong đó chủ yếu là những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. GS Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Một nền y tế tốt là nền y tế khám chữa bệnh giỏi, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Một nền y tế tốt phải là nền y tế không làm nghèo hóa người dân do những chi phí y tế. Trong xu thế y tế đang đi theo hướng thương mại hóa vì mục tiêu lợi nhuận, cần phải đặt quyền lợi của người bệnh lên trên hết.”

Người dân nên tham gia bảo hiểm y tế để giảm rủi ro, tránh nguy cơ rơi vào nghèo đói
Người dân nên tham gia bảo hiểm y tế để giảm rủi ro, tránh nguy cơ rơi vào nghèo đói

Thẳng thắn nhìn nhận vào thực tế, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, vấn đề bảo hiểm y tế hiện nay đang còn tồn tại nhiều bất cập như: mệnh giá bảo hiểm y tế còn thấp; những dịch vụ bảo hiểm y tế thanh toán còn hạn chế; người dân đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thủ tục còn phiền hà, quyền lợi được hưởng bảo hiểm chưa cao… Thậm chí có những cơ sở y tế đang có thái độ coi thường bệnh nhân bảo hiểm y tế. Đây là những vấn đề khiến nhiều người bị rơi vào bẫy nghèo do không muốn tham gia bảo hiểm y tế.

“Khi nào bảo hiểm y tế phát triển song song với đời sống xã hội, việc thanh toán bảo hiểm y tế được cải thiện thì khi đó Việt Nam mới có thể thoát khỏi nhóm những nước bị nghèo hóa do chi phí y tế.”, GS Phạm Mạnh Hùng nói.

Để giải quyết vấn đề được GS Phạm Mạnh Hùng chỉ ra, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho hay: “Bảo hiểm y tế là 1 trong 3 trụ cột của an sinh xã hội nên nhà nước đã quy định bắt buộc người dân tham gia. Hiện, giá dịch vụ y tế đang được nhà nước bao cấp, do đó nhiều người chưa quan tâm đến bảo hiểm y tế, khi bị bệnh thì tự bỏ tiền túi ra điều trị. Bộ Y tế đã có lộ trình chi tiết từ nay đến năm 2020 sẽ tiến tới tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế để đưa phí khám chữa bệnh trở về với giá trị thực.”

Những người không có bảo hiểm y tế sẽ phải chi trả phí khám chữa bệnh ở mức cao hơn, nhưng việc tính đúng tính đủ giá dịch vụ, mang lại nhiều quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế từ đó khuyến khích người dân tham gia. Hàng năm mỗi người chỉ phải đóng một mức chi phí nhỏ để mua bảo hiểm y tế nhưng khi ốm đau sẽ được bảo hiểm thanh toán góp phần đặc biệt quan trọng vào việc giảm rủi ro, tránh nguy cơ rơi vào nghèo đói.

Vân Sơn