Đồng hồ sinh học có tuổi!

Ở phụ nữ, khả năng làm mẹ sẽ “tắt” dần vào tuổi mãn kinh hoặc sẽ gặp rủi ro trong sinh nở và đàn ông cũng không nằm ngoài quy luật đó, “chiếc đồng hồ giới tính” cũng yếu dần theo năm tháng.

Sự “phồn thịnh” của quý ông không bao giờ là vĩnh cửu. Những thế hệ tinh trùng càng về sau sẽ càng gây khó dễ hơn cho những ông bố, hoặc những ông “muốn làm bố” trong tương lai. Hơn thế nữa, y giới cũng đã cảnh báo nhiều vấn đề về sức khoẻ ở những đứa trẻ được sinh ra từ những ông “bố già”!

 

Khi bố “ngoại tứ tuần”…

 

Người cha càng lớn tuổi thì người mẹ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc thụ thai, dù đó là một người mẹ trẻ. Ngay từ độ tuổi 24, cứ mỗi năm và sau 6 tháng, cơ hội có con của một người đàn ông sẽ giảm đi 2%. Qua một nghiên cứu vào tháng 8/2000, giáo sư Chris Ford (Mỹ) cho biết: “Ngay từ bây giờ, chúng ta đã có thể kể ra nhiều mẩu chuyện liên quan đến chiếc đồng hồ sinh học của nam giới, đó là những trục trặc sinh lý có thể có ngay bên trong cơ thể người đàn ông, ngay cả khi đối tượng chưa có những biểu hiện rõ rệt ra bên ngoài như giai đoạn từ 40 tuổi trở đi”. Và đó sẽ là một quá trình “tuột dốc” dần dần theo thời gian. Mặt khác, theo kết luận của một nhóm nghiên cứu của Đại học Columbia (Mỹ) sau khi theo dõi hơn 90.000 ca sinh nở, tuổi của người bố cũng ít nhiều liên quan đến nguy cơ sinh non của người mẹ.

 

Thêm vào đó, nam giới càng lớn tuổi thì lại càng “truyền lại” hoặc “tạo lập” cho đứa con nhiều vấn đề về di truyền hơn, chẳng hạn như tính tự kỷ, tâm thần phân lập và thậm chí một vài dị tật như lùn bẩm sinh. Tất cả đều ảnh hưởng lên chỉ số thông minh của đứa bé.

 

Tuổi tác - Nguyên nhân chính?

 

Chúng ta biết rằng hệ sinh dục nam là một trong những cơ quan sống của cơ thể và tất nhiên không thể “trẻ mãi không già”. Khi đó, lượng testosterone, DHEA và estrogene ít đi và dẫn tới hiện tượng gọi là “suy giảm bệnh lý”.

 

Tại Pháp, nghiên cứu trên 2.000 nam giới cho thấy việc thụ tinh trong ống nghiệm có thể thất bại hoặc sinh những đứ con dị tật do tuổi của người chồng - đặc biệt những ông chồng đã ngoài 40. Nguyên nhân là do các “chú lính” quá “nhỏ con” hoặc “không lành lặn” nên “mất sức chiến đấu” trong tử cung người vợ.

 

Không chỉ tuổi tác, mà các tác động từ môi trường sống cũng gây tác hại không nhỏ. Thuốc lá, rượu, các bức xạ mạnh, ô nhiễm công nghiệp, hoá chất, các chất bảo vệ thực vật như thuốc trừ sâu, các sản phẩm sử dụng hàng ngày như mỹ phẩm, sơn, các chất tẩy rửa… đều có thể khiến quý ông “yếu” đi, nói chính xác hơn là “cỗ máy sản xuất tinh trùng của quý ông bị yếu dần”. Từ kiểm nghiệm thực tế, các chuyên gia đã đưa ra một số liệu đáng lưu tâm: từ 100 triệu tinh trùng/ml trong thập niên 1950 giảm xuống còn trung bình 50 triệu vào năm 2006. Vậy là “quân số” đã giảm đi một nửa sau nửa thế kỷ!

 

Tình hình đã trở nên bức bách đến nỗi ngay trong năm 2007 này, Viện Sức khoẻ và nghiên cứu y học Pháp (Inserm) sẽ triển khai một đề tài nghiên cứu “nóng hổi”. Họ sẽ đến gõ cửa 20.000 gia đình nhằm kiểm tra và đánh giá một cách chi tiết nhất hiện tượng suy giảm khả năng sinh con của các cặp vợ chồng, đồng thời thẩm định luôn mối liên hệ giữa sức khoẻ sinh sản của con người với các chất độc hại có thể có trong môi trường mà họ đang sống, ví dụ như chì (Pb).

 

Làm gì để “bảo toàn năng lượng”?

 

Tốt nhất là mỗi người hãy hành động để có cơ hội duy trì sức mạnh cho chính mình. Giới chuyên môn đưa ra vài ý kiến mà quý ông có thể tham khảo:

 

- Một số nghề nghiệp như tài xế xe tải, công nhân luyện kim, hoặc một số hoạt động thường ngày như ngâm mình quá lâu trong bồn tắm nước nóng có chức năng tạo xoáy, hay thói quen dùng máy vi tính xách tay để trực tiếp trên đùi… đều ảnh hưởng đến sức khoẻ của tinh trùng.

 

Vậy nên nếu phải làm việc trong những điều kiện như trên hoặc phải làm những nghề nói trên, quý ông hãy chú ý một điều là tránh để “cỗ máy sinh tinh” của mình tiếp xúc với nhiệt độ cao trong một thời gian dài.

 

- Nếu đang điều trị với các loại thuốc chống cao huyết áp, chống viêm loét hoặc chống trầm cảm, hãy trao đổi với bác sĩ trong trường hợp bạn đang muốn có con.

 

- Giảm (nhưng tốt nhất là ngưng) hút thuốc, dùng rượu bia có chừng mực, tuân thủ một chế độ dinh dưỡng cân bằng. Tuyệt đối không đụng đến các chất gây nghiện như cần sa, ma tuý.

 

- Dùng nhiều thức ăn có chứa chất kẽm (Zn) và axít folic (hoặc vitamin B9).

 

- Thường xuyên vận động thể lực.

 

Cuối cùng, và hẳn nhiên, mọi cẩn trọng không bao giờ thừa!

 

Theo Cao Văn

Sài Gòn tiếp thị