Dinh dưỡng khi uống thuốc

Thường trong hướng dẫn sử dụng thuốc có ghi thời gian dùng trước, trong hay sau khi ăn nhưng không bao giờ nói rõ là ăn gì. Trong khi thức ăn “nạp” vào cơ thể trong thời gian này có thể làm thay đổi, thậm chí làm cho tác dụng của nhiều loại thuốc thành con số không.

Dinh dưỡng khi uống thuốc - 1


Các loại thuốc sulphamid, glicozid chữa bệnh tim và thuốc chống tắc nghẽn mạch máu rất giống về mặt hóa học so với protein. Do đó khi dùng chúng cần giảm lượng protein trong thức ăn (ăn ít thịt, gia cầm, cá, phô mai, đậu đỗ).

Đừng bỏ hoàn toàn các thực phẩm này, nhưng cần giảm bớt lượng sử dụng và tuân thủ nghiêm ngặt thời gian uống được nêu trong hướng dẫn hay do bác sĩ chỉ định. Mặt khác, thức ăn có khả năng bảo vệ niêm mạc dạ dày và ruột trước sự kích thích của thuốc, giúp tránh được nhiều bệnh đối với hệ tiêu hóa khi dùng thuốc kéo dài.

Dưới tác dụng của thức ăn, sự hấp thu thuốc có bị thay đổi. Mỡ làm giảm sự tiết dịch vị dạ dày, làm cho quá trình tiêu hóa thức ăn chậm đi, điều đó có nghĩa sau khi ăn, thuốc sẽ được hấp thu chậm hơn.

Dịch tiêu hóa có ảnh hưởng mạnh đến quá trình biến đổi thuốc trong cơ thể. Khi đói, độ axit của dịch dạ dày thấp, cần uống những loại thuốc như glicozid chữa tim, cũng như những loại thuốc không kích thích niêm mạc dạ dày.

Các thuốc uống khi đói thì được hấp thu nhanh hơn.Trong thời gian ăn, độ axit của dịch dạ dày rất cao, do đó ảnh hưởng đáng kể đến độ ổn định của thuốc và sự hấp thu chúng vào máu. Trong môi trường axit, tác dụng của erithromicin, lincomixin, hydrochlorid và các thuốc kháng sinh khác bị giảm một phần.

Khi chữa bệnh bằng aspirin, thức ăn cần có ít đạm, mỡ và các chất đường bột, nếu không sự hấp thu thuốc giảm đi hai lần. Còn các món cá có thể kích thích hiện tượng chảy máu.

Hiệu quả trị liệu của các thuốc sulphanilamid bị suy giảm đáng kể hay mất hoàn toàn khi trong thực phẩm có axit folic (gan, thận, xà lách và bí đỏ).

Việc chữa trị kéo dài bệnh thấp khớp bằng các thuốc salixilat và các thuốc không chứa steroid gây kích thích niêm mạc dạ dày và ruột, thậm chí cả hiện tượng xuất huyết. Những người bệnh như vậy cần có chế độ ăn kiêng nhẹ nhàng, loại bỏ thức ăn có chất xơ thô như rau và hoa quả sống, nấm, cũng như các thực phẩm nướng, rán, nước nấu thịt và cá.

Không dùng sữa để uống các thuốc có vỏ bọc chịu được axit (pankreatin, bixacodil), vì lớp vỏ bị hòa tan làm cho thuốc bị phân hủy khi chưa đến được vị trí cần thiết để hấp thu. Đặc biệt nguy hiểm là nước ép bưởi, nó có khả năng làm tăng hay thay đổi tác dụng của rất nhiều loại thuốc.

Đối với hầu hết các loại thuốc nên uống với nửa ly nước đun sôi để nguội và tốt hơn hết nên uống khi đứng. 

Việc thiết lập một chế độ ăn uống đúng khi dùng những loại thuốc khác nhau có thể là yếu tố hỗ trợ tốt cho việc chữa bệnh, còn việc ăn uống vô nguyên tắc có khả năng làm tất cả sự chữa trị của bạn trở thành con số không, có khi còn gây hại cho cơ thể. 

Theo DS Trần Chung
Sức khỏe & Đời sống