Điều trị vô sinh, hiếm muộn Việt Nam rẻ "hút" bệnh nhân nước ngoài

(Dân trí) - Chất lượng của các kỹ thuật tương đương nhau nhưng giá thành điều trị vô sinh, hiếm muộn tại Việt Nam rẻ hơn gần 5 lần so với thế giới. Đây là “ưu điểm” giúp các bệnh viện phụ sản trong nước thực hiện kỹ thuật trên đang ngày càng thu hút nhiều bệnh nhân ngoại quốc.

Kỹ thuật điều trị vô sinh, hiếm muộn của Việt Nam tương xứng vơi các nước nhưng giá thấp hơn nhiều
Kỹ thuật điều trị vô sinh, hiếm muộn của Việt Nam tương xứng vơi các nước nhưng giá thấp hơn nhiều

Hiện nay, dịch vụ điều trị vô sinh, hiếm muộn ở khu vực Châu Á và các nước phát triển thuộc Châu Âu có các mức giá rất khác nhau, tại Mỹ là 14.000 USD; Singapo 10.000 USD; Thái Lan 9.000 USD; Campuchia: 6.000 USD. Tại Việt Nam chi phí trung bình cho một trường hợp điều trị vô sinh, hiếm muộn chỉ giao động ở mức trên dưới 3.000 USD.

Trong khi đó, tại 2 bệnh viện phụ sản hàng đầu của TPHCM là Từ Dũ và Hùng Vương, người bệnh có nhu cầu điều trị sẽ thanh toán khoản viện phí cố định cho bệnh viện khoảng 16 triệu đồng cho môi trường nuôi cấy, vật tư tiêu hao, kim chọc hút trứng, catheter chuyển phôi…

Bên cạnh đó, người bệnh phải chi trả một khoản khác là tiền mua thuốc chích cho bệnh nhân để tạo trứng. Khoản này không cố định mà tùy thuộc đáp ứng của bệnh nhân với thuốc tốt hay không, bác sĩ sẽ dùng liều cao hoặc thấp. Ước tính, khoản tiền thuốc tốn kém khoảng 25 đến 30 triệu đồng. Như vậy, tổng chi phí cho một chu kỳ thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) ở bệnh viện công là 40 đến 45 triệu đồng cho chu kỳ đầu tiên.

Trong chu kỳ đầu tiên, tùy vào số lượng trứng thu thập được, bệnh nhân có thể có nhiều phôi hoặc ít phôi. Trường hợp lý tưởng, bệnh nhân trẻ, dự trữ buồng trứng tốt, không có bệnh lý vùng chậu, thông thường số trứng thu được vào khoảng 12 đến 15 trứng, từ số trứng này có thể tạo được 10 đến 12 phôi. Trong chu kỳ chuyển phôi đầu tiên, thông thường bác sĩ chuyển tối đa là 2 đến 3 phôi. Còn lại 7 đến 9 phôi sẽ được trữ đông dùng trong những lần chuyển phôi sau.

Trong những chu kỳ chuyển phôi trữ đông sau đó, bệnh nhân chỉ phải tốn một khoản tiền rất ít (khoảng 5 đến 6 triệu đồng) cho một chu kỳ. Tỷ lệ thành công của một lần chuyển phôi (cả phôi đông và phôi tươi) là 40 đến 45%. Tỷ lệ thành công cộng dồn cho một cặp vợ chồng thực hiện IVF sau 3 đến 4 chu kỳ chuyển phôi tươi và đông tương đương 70 đến 75%.

BS.CK2 Lý Thái Lộc, Trưởng khoa Hiếm muộn bệnh viện Hùng Vương, TPHCM cho hay, chuyên ngành Hỗ trợ sinh sản của Việt Nam hiện không thua kém các nước trong khu vực và thế giới. Các trung tâm IVF trong nước đã thực hiện hầu hết kỹ thuật có trên thế giới và tỷ lệ thành công tương đương với các trung tâm IVF của nước ngoài (trừ những kỹ thuật giá thành quá đắt tiền, các trung tâm của Việt Nam chưa trang bị). Sau 12 năm thành lập, các phương pháp điều trị vô sinh hiếm muộn tại bệnh viện Hùng Vương đang thu hút được nhiều bệnh nhân từ Châu Âu, Châu Á đặc biệt là khu vực Đông Nam Á.

Điều trị vô sinh, hiếm muộn trở thành thế mạnh cạnh tranh thu hút bệnh nhân nước ngoài của các bệnh viện phụ sản
Điều trị vô sinh, hiếm muộn trở thành thế mạnh cạnh tranh thu hút bệnh nhân nước ngoài của các bệnh viện phụ sản

Tại buổi giao ban báo chí theo quý (ngày 4/7) về vấn đề y tế cơ sở, đề cập đến những thế mạnh của các bệnh viện trên địa bàn thành phố PGS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho hay: Cùng với nhiều kỹ thuật hiện đại như ghép bộ phận cơ thể người, điều trị chấn thương chỉnh hình, tim mạch… hỗ trợ sinh sản đang trở thành thế mạnh của các bệnh viện công và tư tại TPHCM so với các nước trong khu vực. Thụ tinh trong ống nghiệm không chỉ đáp ứng được nhu cầu điều trị trong nước với giá thành hợp lý mà còn thu hút ngày càng nhiều người bệnh nước ngoài.

Vân Sơn