Điều trị hiệu quả vết thương loét lâu liền

(Dân trí) - Vết loét lâu liền là nỗi ám ảnh của nhiều người bệnh do xạ trị ung thư, tiểu đường, tai nạn giao thông… Vết loét lâu ngày khiến người bệnh đau đớn, mặc cảm và gây phiền toái rất nhiều trong sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Ghép nguyên bào sợi chữa vết loét lâu liền

Bà N.T.V, 82 tuổi bị cao huyết áp, viêm đa khớp dạng thấp giờ vẫn còn hãi hùng khi nghĩ về vết loét to bằng cả bàn tay trên cẳng chân của mình. Suốt 5 năm trời, bà sống chung với đau đớn, mặc cảm với vết loét có chu vi len tới 110cm2 ở cẳng chân. Hết tây y rồi lại đến đông y, bà đều đã từng thử qua nhưng vết loét vẫn không liền miệng. Ngược lại, nó ngày càng có xu hướng loét rộng ra, sâu hơn, mưng mủ, bốc mùi khó chịu khiến bà đau đớn, luôn phải nằm bất động, không thể tự mình đi lại.

Tình cờ, có một người giới thiệu bà đến Viện Bỏng quốc gia chữa trị. Lúc đầu bà còn không tin, nghĩ mình số giời đày, chắc phải chịu đau đớn tới khi chết. Không ngờ, khi tới Viện bỏng quốc gia điều trị, bà được các bác sĩ tiến hành ghép tấm nguyên bào sợi nên vết loét có tiến triển rất tốt. Chỉ sau một thời gian, cả vết loét to bằng gần bàn tay đã liền hoàn toàn, sẹo phẳng và có màu sắc tương đồng với vùng da xung quanh. Giờ bà không còn phải ái ngại vì mùi khó chịu bốc ra từ vết thương, quan trọng hơn, bà đã tự đi lại, tự chăm lo cho sinh hoạt cá nhân của mình, không còn là gánh nặng của con cái.

Chị P.V.M, 26 tuổi cũng phải trải qua những đau đớn, mặc cảm do vết loét lâu liền. Oái oăm hơn, căn bệnh liệt tuỷ D10 lại gây cho chị một vết thương loét vùng xương cụt. Vì thế, chị không thể ngồi được mà luôn phải nằm. Nằm cũng không được thoải mái, luôn phải nằm nghiêng, nằm úp. Mỗi lần muốn xoay chuyển người cho đỡ mỏi, chị đều phải nhờ trợ giúp.

Không những thế, vì là ở vùng nhạy cảm nên mọi sinh hoạt cá nhân của chị cũng rất bất tiện, luôn phải có người nhà phục vụ 24/24 trong những ngày chị nằm viện điều trị cũng như khi xuất viện.

Sau 8 lần phẫu thuật chữa trị vết loét vùng xương cụt, kết quả vẫn là con số 0. Không những thế, 8 lần phẫu thuật còn gây nên rất nhiều sẹo ở vùng da lành xung quanh. Khi chị đến Viện Bỏng quốc gia để điều trị, vết loét của chị rộng 130cm2.

Dù vết loét rất nặng, rộng nhưng sau khi được ghép nguyên bào sợi đến tuần thứ 2, vết thương đã có tiến triển tốt, tấm nguyên bào sợ bám tốt trên bề mặt vết thương, dịch tiết ít. Sau khi bóc bỏ lớp giá đỡ tế bào của tấm nguyên bào sợ, vết thương của chị đã lên da non, hồng và bằng phẳng, không có dấu hiệu nhiễm khuẩn, vết thương thu hẹp nhiều so với lúc chưa được can thiệp. Đến tuần thứ 5, vết thương thu hẹp chỉ còn 0,5cm2, sẹo da xung quanh mềm và phẳng.

Tỷ lệ khỏi là 100%

GS.TS Lê Năm, Giám đốc Viện Bỏng quốc gia cho biết, phần lớn bệnh nhân bị loét là do tai nạn giao thông dẫn tới liệt, những người già ốm nằm một chỗ lâu ngày, hoặc người bị dị ứng gây loét, bệnh nhân tiểu đường, suy tĩnh mạch, viêm tĩnh mạch, suy van tĩnh mạch, vết bỏng lâu lành, bệnh về hệ thống miễn dịch da... Đặc biệt, khá nhiều bệnh nhân bị ung thư phải xạ trị dẫn tới loét.

Có rất nhiều phương pháp điều trị vết thương mạn tính như dùng thuốc kích thích sự phát triển tế bào, dùng oxy cao áp, tia laser nhưng hiệu quả thấp, các can thiệp phẫu thuật thường thất bại hoặc ít khi được áp dụng do sức khỏe bệnh nhân không cho phép phẫu thuật.

Mới đây, các bác sĩ Viện Bỏng quốc gia đã nghiên cứu và áp dụng thành công phương pháp ghép nguyên bào sợi đồng loại nuôi cấy điều trị cho các bệnh nhân bị vết loét mãn tính do bệnh lý hoặc sau xạ trị ung thư. “Đây là phương pháp mới được áp dụng tại Việt Nam. Với công nghệ này, chỉ cần một phần da rất nhỏ, sau khi nuôi cấy, các tế bào da có thể tạo ra mảnh da với diện tích theo ý muốn để ghép cho bệnh nhân. Vì thế, có thể điều trị được cả những vết loét khá rộng”. TS Đinh Văn Hân, Chủ nhiệm Khoa Nghiên cứu - Ứng dụng trong điều trị bỏng, cho biết.

Trên thực tế, các bác sĩ của Viện Bỏng quốc gia đã thành công trong ứng dụng ghép nguyên bào sợi đồng loại nuôi cấy điều trị cho 32 bệnh nhân có vết thương mãn tính do loét tì đè, tiểu đường, bỏng chậm liền, tai nạn, suy tĩnh mạch chi dưới. Những vết loét này thường kéo dài và nặng nề, khó điều trị khỏi bằng các phương pháp điều trị truyền thống.

Với phương pháp ghép nguyên bào sợi, có khi chỉ sau một tuần, đã có thể ghép mảnh da nhân tạo này lên vết thương, sau đó các tế bào da (sừng, sợi) sẽ tiếp tục phát triển cho đến khi lành vết thương. Vết thương khá nhẵn, đồng màu với da và không để lại sẹo.

Tỷ lệ tách lọc tế bào sừng thành công ở các mẫu da lấy từ người cho da tình nguyện là 70,5%, ở bệnh nhân bỏng là 57,2% ở tuần thứ hai của quá trình nuôi cấy. Kết quả tỷ lệ cấy chuyển tế bào sừng thành công ở hai nhóm đều cao, với nhóm người tình nguyện là hơn 91%, nhóm bệnh nhân bỏng là 100%.

Hồng Hải