Điều trị chứng ngủ ngáy bằng phẫu thuật

(Dân trí) – Theo PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, GĐ BV Tai – Mũi - Họng TƯ, những người ngủ ngáy hoàn toàn có thể loại bỏ sự khó chịu và nguy cơ bị chứng ngưng thở do tắc nghẽn… nhờ phương pháp phẫu thuật mới sử dụng sợi Polime.

Thế nào là OSA?

 

Bệnh ngưng thở do tắc nghẽn (OSA) được mô tả là tình trạng tắc nghẽn từng cơn đường thông khí vùng hầu họng và gây ra tình trạng thiếu ôxy máu và mất ngủ, những rối loạn này làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch như cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, truỵ tim mạch, tử vong…

 

Chứng ngưng thở do tắc nghẽn được xác định khi chỉ số khó thở và ngưng thở (số lần khó thở và ngưng thở trong một giờ ngủ) lớn hơn hay bằng 5.

 

Trên thế giới, ước tính có khoảng 24% nam giới và 9% nữ giới trưởng thành bị ảnh hưởng của chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn và tỷ lệ mắc bệnh này ở 40% những người ngáy nặng. Sinh lý bệnh của OSA là tình trạng bít tắt đường thông khí khi ngủ.

 

Có nhiều nguyên nhân ngủ ngáy như tắc nghẽn ở mũi; màn hầu bị mềm; có từ 60 – 70% trường hợp ngủ ngáy là do màn hầu mềm, bị rung; có nguyên nhân do lưỡi, đặc biệt là vùng đáy lưỡi gây ngủ ngáy; béo phì cũng là nguyên nhân gây ngủ ngáy. Các chuyên gia cho biết, cần nhấn mạnh đến yếu tố béo phì vì nguy cơ ngày càng tăng cao.

 

Chọn loại phẫu thuật nào?

 

Có nhiều loại phẫu thuật điều trị chứng ngáy và chứng ngưng thở do tắc nghẽn như phẫu thuật hầu, khẩu cái, lưỡi gà (cắt bỏ một phần khẩu cái mềm, lưỡi gà và hạnh nhân để mở rộng đường thở), có thể cắt hay không cắt hạnh nhân hoặc phẫu thuật cắt lưỡi gà, khẩu cái bằng laser.

 

Cả hai phẫu thuật này đều cắt bỏ mô khẩu cái mềm, tỷ lệ thành công khác nhau ở mỗi thủ thuật, nhưng bất lợi là mất nhiều tiền, và kèm theo đó là nhiều nguy cơ do phải gây mê toàn thân. Ngoài ra, bệnh nhân thường rất đau đớn sau hậu phẫu và cũng dễ bị các biến chứng bao gồm cả tình trạng bị chít hẹp đường hầu họng.

 

Theo nghiên cứu, khoảng 80% trường hợp ngủ ngáy và OSA có nguyên nhân từ khẩu cái mềm. Do vậy, phương pháp phẫu thuật chữa trị hội chứng này một cách hiệu quả là đặt 3 mảnh ghép nhỏ bằng sợi Polyester vào trong cấu trúc mô cơ khẩu cái mềm làm trụ nâng, làm cứng và giảm rung khẩu cái mềm (nguyên nhân của ngáy) trong khi thở; làm giảm khả năng tắt nghẽn đường thông khí do khẩu cái mềm chèn vào.

 

PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh cho biết phương pháp này can thiệp tối thiểu góp phần nâng cao điều trị OSA và chứng ngủ ngáy. Bệnh nhân chỉ cần phải ở viện sau 15 phút. Thời gian điều trị, khả năng phục hồi nhanh, chi phí hiệu quả nhất. Sau khi thực hiện thủ thuật này, giọng nói và khả năng ngửi mùi vị của bệnh nhân không bị thay đổi.

 

Phần lớn bệnh nhân bị chứng OSA sau khi được làm thủ thật thì giảm đáng kể chứnng ngủ gật ban ngày, chứng ngủ ngáy, đặc biệt là cường độ tiếng ngáy. So sánh với các phương pháp điều trị trước đó, phương pháp này hầu như không để lại biến chứng.

 

Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng sử dụng kỹ thuật ghép trụ nâng khẩu cái. Nếu lựa chọn theo đúng chỉ định, tỷ lệ đạt hiệu quả từ 70 – 80%.

 

Dự kiến một ca phẫu thuật như trên để chữa trị chứng ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn khoảng từ 1.000-1.200 USD. 

Hồng Hải