Dịch tiêu chảy cấp: Ăn uống ở đâu an toàn?

(Dân trí) - Nhiều người lạc quan cho rằng dịch ở đâu chứ cứ vào những nhà hàng “xịn”, khách sạn mấy sao trở lên là an tâm. Nhưng đó chỉ là những chuyện của những ngày đầu còn đến bây giờ thì mọi việc đã khác.

Khuyến cáo của ngành y tế là không nên ăn thức ăn đường phố, song với đa số những người đi làm thì làm sao có thể mang cơm từ nhà đến cơ quan để ăn?

 

Chị Thuỷ, một cán bộ của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch than thở: “Ăn thức ăn do nhà mình nấu thì chắc chắn là ngon và bảo đảm. Nhưng mấy ai mà có được nhiều thời gian như vậy. Ở cơ quan tôi cũng có người chuẩn bị bữa ăn trưa từ nhà nhưng số này rất ít vì hầu hết các gia đình đều rất bận rộn”.

 

Việc phải ăn trưa ở ngoài đã trở thành một nhu cầu tất yếu, từ người làm kinh doanh, bán hàng... đến hành chính, chỉ khác nhau ở địa điểm ăn uống.

 

Cho đến sáng ngày 9/11, đã có 1.378 trường hợp bị tiêu chảy nhập viện, trong đó có 159 bệnh nhân tả nằm tại 69 huyện thuộc 13 tỉnh, thành. Tại Hà Nội, các quận Hoàng Mai, Đống Đa vẫn có số người mắc tả cao.

Tuy nhiên, kể từ khi 2 nhân viên phục vụ ăn uống trong khách sạn 5 sao nằm giữa trung tâm thủ đô và một nhà hàng lớn trên phố Phạm Ngọc Thạch có kết quả soi tươi dương tính với khuẩn phẩy tả thì hầu hết mọi người đều cảm băn khoăn, lo ngại. Chị Hạnh, công tác tại Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: “Mình đã mang bầu được 7 tháng. Từ nhà đến cơ quan tới 15km, không thể về buổi trưa để ăn cơm ở nhà cũng như có đủ thời gian để nấu cơm mang đi làm. Bây giờ ăn uống là cho cả con nữa mà chẳng biết ăn ở đâu bảo đảm”.

 

Theo báo cáo ngày 9/11 của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch tiêu chảy cấp, trường hợp nhân viên phục vụ ăn uống trong khách sạn 5 sao có kết quả dương tính phẩy khuẩn tả khi soi tươi là người đàn ông 51 tuổi. Trưa ngày 7/11, người đàn ông này đã ăn tại căng tin của khách sạn, sau đó bị mệt, xin về nhà nghỉ và phát bệnh, hiện đang được điều trị tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới.

 

Hiện cán bộ y tế đã tổ chức xét nghiệm các mẫu nước, mẫu thức ăn, xử lý tiệt trùng các khu vực trong khách sạn này và những ai tiếp xúc với trường hợp trên đều cho uống kháng sinh dự phòng để hạn chế tối đa sự lây lan. Tuy nhiên, câu hỏi tại sao dịch vào được trong khách sạn 5 sao, nơi luôn có sự kiểm tra thực phẩm rất chặt chẽ? Phải chăng là từ nước sinh hoạt? Tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch, các báo cáo đều cho thấy nguồn nước của Hà Nội đang được kiểm soát chặt chẽ. Như vậy một là nguồn nước chưa thực sự bảo đảm, hai là nguồn thực phẩm bị ô nhiễm từ các vùng dịch vẫn tuồn vào nội thành.

 

Dấu hỏi chưa có lời giải này cũng cho thấy: nếu các cơ quan chức năng không kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm từ các vùng dịch và nguồn nước sinh hoạt tại Hà Nội thì không chỉ có khách sạn, mà thậm chí tất cả các gia đình đều có nguy cơ nhiễm khuẩn tả ngay cả khi nấu ăn tại nhà.

 

TPHCM: Chưa có trường hợp nào nhiễm khuẩn phẩy tả

 

Chiều ngày 8/11/2007, sau khi nhận được tin báo có trường hợp nghi ngờ tiêu chảy cấp ở P11, Quận Gò Vấp, Ban Giám đốc Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo thực hiện khẩn trương các biện pháp phòng chống dịch.

 

Trường hợp 1: Bệnh nhân nữ Dương Thị Yêm, 46 tuổi, ngụ tại 86/5c Quang Trung, khu phố 8, Phường 11, Q.Gò Vấp. Bệnh nhân có triệu chứng đau bụng kèm tiêu chảy nhiều lần, phân lỏng, sau đó được đưa đến BV Gò Vấp trong tình trạng truỵ tim mạch, mạch nhanh, huyết áp tụt. Sau khi được hồi sức tích cực, bệnh nhân được chuyển đến BV Nhiệt Đới, soi phân tìm vi trùng tả; âm tính, hiện đang chờ kết quả cấy phân, chẩn đoán tiêu chảy do nhiễm trùng, hiện bệnh nhân đã ổn định.

 

Trường hợp 2: Lúc 19h30, trong lúc đoàn công tác của Sở Y tế đang làm việc về ca bệnh thứ nhất thì nhận được tin báo có ca bệnh thứ 2 Đỗ Thị Ngọc Châu, 53 tuổi, ngụ 16/6 Quang Trung cùng phường nhưng khác khu phố. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mạch nhanh, huyết áp tụt, có tiêu chảy nhiều lần trong ngày, được hồi sức tích cực sau đó chuyển đến BV Nhân dân Gia Định. Xét nghiệm soi phân tìm vi trùng tả thì âm tính, đang chờ kết quả cấy phân, bệnh nhân được chẩn đoán là nhiễm siêu vi, rối loạn tiêu hoá.

 

Bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y Tế cho biết: “Chưa tìm thấy mối liên hệ của 2 ca bệnh này, hiện tại tình trạng sức khoẻ của cả 2 bệnh nhân đều ổn định, một đã xin về nhà, riêng ca ở BV Nhiệt Đới vẫn còn được theo dõi”.

 

Sáng ngày 9/11/2007, UBND TPHCM đã có một cuộc hợp khẩn cấp cùng các ban ngành và đề ra biện pháp khẩn cấp: Ngành y tế Thành phố giao trách nhiệm cho quận huyện kiểm tra các chợ đầu mối. Hiện nguồn thực phẩm nguy cơ đã xuất nhiều loại khác ngoài mắm tôm-mắm tép. Ngoài ra UB cũng giao cho 2 Sở Y tế và Tài nguyên môi trường tìm biện pháp xử lý số mắm tôm tịch thu sao cho không ảnh hưởng đến môi trường.

 

Ngọc Thanh

 

Lan Hương