TPHCM:

Dịch bệnh tăng, vắc-xin thiếu

(Dân trí) - Tại TPHCM, tình trạng nguồn vắc-xin chích ngừa cho trẻ đang bị khan hiếm, trong khi đó dịch bệnh thì vẫn ngày một tăng.

 

Quá tải

 

Đã mấy ngày nay, vợ chồng anh N.T.L (ngụ Thủ Đức) phải mất ăn mất ngủ vì đứa con đầu lòng 3 tuổi đang nằm điều trị tại Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 do bị viêm não mô cầu. Anh L. cho biết cách đây một tuần thấy con bị sốt nhẹ nên mua thuốc về tự điều trị.

 

Không ngờ, vào cuối tuần qua, đang nửa đêm thì con anh sốt cao và lên cơn co giật, gia đình tức tốc đưa vào BV Nhi Đồng 1 thì bé đã bị biến chứng viêm não.

 

Tương tự, những ngày qua tại khu nhà trọ của bà N.T.N (ngụ phường 22, Bình Thạnh), hàng chục trẻ (từ 8 tháng -5 tuổi) cứ ăn vào là ói ra hết dù người nhà đã cho uống dạng xi-rô chống ói.

 

Ghi nhận của chúng tôi ngày 16/11 cho thấy ngoài số trẻ nhập viện do mắc các bệnh như hô hấp, sốt xuất huyết, tay chân miệng, còn có nhiều trường hợp mắc hai loại bệnh nguy hiểm là viêm não mô cầu, tiêu chảy. Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1, hiện khoa đang điều trị cho hơn 70 bệnh nhi bị mắc bệnh tay chân miệng (trong đó có trường hợp biến chứng nặng), còn lại là bị viêm não mô cầu... Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, phó giám đốc BV, cho biết qua phân tích tình hình bệnh trẻ em điều trị tại BV trong tháng 10 và dự báo bệnh dịch ở trẻ trong tháng 11 cho thấy hầu hết đều tăng.

 

Cụ thể: Dịch bệnh tay chân miệng tăng 27%, bệnh về đường hô hấp (viêm phổi, viêm tiểu phế quản) tăng 13% về số lượt khám và tăng 34% số trường hợp nhập viện. Đó là chưa kể nhiều trẻ sơ sinh tại hai khoa Sơ sinh và Săn sóc tăng cường sơ sinh mà BV đã tiếp nhận điều trị.

 

Tại BV Nhi Đồng 2, áp lực quá tải cũng ngày càng tăng. Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Tuyết, Trưởng Khoa Tiêu hóa BV, cho biết mỗi ngày khoa tiếp nhận hơn 80 bệnh nhi, hiện có gần 100 trẻ đang điều trị nội trú về tiêu hóa. Cũng theo bác sĩ Tuyết, thời điểm cuối năm là cao điểm của bệnh tiêu chảy ở trẻ và thời tiết thay đổi là nguyên nhân làm hư thức ăn, xuất hiện vi khuẩn gây bệnh. Vì vậy, các phụ huynh phải hết sức cẩn trọng.

 

Thiếu vắc-xin - Đến hẹn lại lên

 

Trong khi dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng thì nguồn vắc-xin chích ngừa cho trẻ đang cạn kiệt. Ghi nhận tại một số cơ sở y tế trên địa bàn TP cho thấy các đơn vị này đang trong tình trạng bị động, chưa biết bao giờ vắc-xin mới có lại và mọi chuyện đang chờ nhà cung cấp.

 

Đại diện khoa tiêm chủng Viện Pasteur TPHCM cho biết đã hết vắc-xin ngừa một lúc 3 bệnh sởi-quai bị-Rubella, ngừa tiêu chảy (Rotavirus) và không biết khi nào mới có. Bác sĩ Thúy Liễu, công tác tại Khoa Tiêm chủng dịch vụ Trung tâm Y tế dự phòng TP, cũng cho biết không còn vắc-xin ngừa các loại bệnh này. Còn theo lãnh đạo Trung tâm Dinh dưỡng TP, các loại vắc-xin ngừa viêm não mô cầu A+C, sởi-quai bị-Rubella, Rotavirus, viêm gan B cũng đã tạm hết.  

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay ngoài chương trình tiêm chủng quốc gia mở rộng miễn phí dành cho trẻ dưới 1 tuổi (được triển khai hằng tháng, gồm 7 mũi: ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, bạch hầu, viêm gan, lao) được triển khai tại các trạm y tế xã, phường, các bệnh còn lại phải chích ngừa dịch vụ.

 

Song phần lớn nguồn cung cấp vắc-xin đều từ các công ty dược phẩm nước ngoài nên việc dự phòng vắc-xin, đặc biệt là vắc-xin phòng dịch bệnh cho trẻ em gặp khó khăn. Lãnh đạo một cơ sở chủng ngừa tại TP cho rằng chuyện khan hiếm vắc-xin cũng theo quy luật. Cứ đến cuối năm là tình trạng khan hiếm vắc-xin lại rộ lên và chuyện này đã tồn tại nhiều năm qua.

 

Theo Nguyễn Thạnh

Người lao động