Dị ứng thuốc: Tai nạn khủng khiếp!

Một cháu bé 15 tuổi bị viêm họng, sốt cao, khi tiêm penicillin cháu sợ, người nhà phải giữ cháu, không may khi rút kim tiêm ra, một giọt penicillin đã bắn vào mắt người giữ cháu bé. Người này đã bị sốc phản vệ và 5 giờ sau tử vong.

Dị ứng thuốc hiện được xếp vào loại tai nạn khủng khiếp nhất và bất ngờ nhất cho cán bộ y tế và người bệnh. Theo báo cáo của nhiều nước, tỉ lệ dị ứng thuốc chiếm khoảng 2-2,5% dân số, 10% các trường hợp dị ứng thuốc là sốc phản vệ và 10% các trường hợp sốc phản vệ dẫn đến tử vong. Đó là các số liệu do GS Nguyễn Năng An - Chủ tịch Hội Hen, Dị ứng và Miễn dịch VN vừa công bố.

 

Trao đổi về vấn đề này, GS An cho biết: “Ở VN, việc nhập và bán thuốc khá dễ dàng, các hiệu thuốc tư nhân xuất hiện ngày càng nhiều với đủ các chủng loại thuốc, từ thuốc thật đến thuốc giả, thuốc kém chất lượng vẫn được lưu hành. Nhiều bác sĩ dùng thuốc chưa đúng chỉ định, chưa nắm vững các đặc điểm và yếu tố nguy cơ của dị ứng thuốc. Việc sử dụng thuốc trong cộng đồng khá bừa bãi, nạn tự điều trị tràn lan đã gây ra những hậu quả của dị ứng thuốc vô cùng nghiêm trọng”.

 

GS có thể đưa ra một số ca điển hình về sốc phản vệ do dị ứng thuốc?

 

Trường hợp một cô y tá ở trạm chống lao, sau giờ làm về nhà gặp mưa bị sốt cao, viêm phổi vào điều trị tại bệnh viện. Bác sĩ chỉ định tiêm penicillin ngày 2 lần, sau mũi tiêm thứ nhất an toàn, đến mũi tiêm thứ hai, ngay khi rút kim tiêm ra khỏi người, chị y tá này đã ngừng thở.

 

Một cụ già 73 tuổi ở Thanh Trì - Hà Nội bị tức ngực phải tiêm penicillin, sau tiêm 8 phút, bệnh nhân choáng váng, khó thở, tím tái rồi hôn mê và không lâu sau đã tử vong.

 

Một bệnh nhân khác - sau khi tiêm thuốc gây tê (lidocaine) để cắt amiđan đã bị chết do sốc phản vệ... Có không ít những bệnh nhân bị chết một cách bất ngờ do dị ứng thuốc như vậy.

 

GS đánh giá như thế nào về tình hình dị ứng thuốc hiện nay ở VN?

 

Có thể nói, tình hình dị ứng thuốc ở VN khá cao. Qua điều tra 1.257 người ở Hoà Bình, tỉ lệ dị ứng thuốc là 8,4%, 1.271 người ở Hải Phòng tỉ lệ là 9,3%, 4.527 người ở Hà Nội tỉ lệ là 7%, 1.356 người ở TPHCM tỉ lệ là 8,8%...

 

Nhóm tuổi bị dị ứng thuốc nhiều nhất là 41-50 tuổi (chiếm 30%), tiếp đến 31-40 tuổi (chiếm 29%), 21-30 tuổi (chiếm 19%). Nhóm tuổi ít bị dị ứng nhất là 1-10 tuổi và người trên 60 tuổi.

 

Các thuốc gây dị ứng qua thống kê có tới 123 loại, trong đó dẫn đầu là thuốc penicillin chiếm 16%, ampicillin chiếm 9,3%, streptomycin chiếm 6%, các thuốc khác cũng có một tỉ lệ nhất định như: Tetracyclin, biseptol, bactrim, gentamycin...

 

Trong 123 loại thuốc gây dị ứng, kháng sinh là nhóm thuốc gây dị ứng nhiều nhất: 53%, tiếp đến là các thuốc chống viêm giảm sốt, vitamin... Một điều rất đáng báo động, số bệnh nhân dị ứng thuốc đang ngày càng gia tăng.

 

Tại khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng - Bệnh viện Bạch Mai vào những năm 1981-1990 chỉ có 295 bệnh nhân nhập viện do dị ứng 10 nhóm thuốc nhưng từ năm 1991 -2000 đã có tới 1.170 người phải cấp cứu vào bệnh viện do dị ứng 24 nhóm thuốc, tăng gần 4 lần trong vòng 20 năm qua. Theo số liệu điều tra, ước tính có khoảng 7-8% dân số VN đã bị dị ứng thuốc, tỉ lệ này đang cao gấp 3-4 lần so với các nước trong khu vực.

 

Vậy nguyên nhân nào đã dẫn tới việc gia tăng số người bị dị ứng thuốc, thưa GS?

 

Tình hình dị ứng thuốc ở nước ta ngày càng gia tăng do rất nhiều nguyên nhân. Xin kể ra đây một số nguyên nhân chính như sau: Hàng năm có nhiều loại thuốc mới được đưa vào thị trường, các bác sĩ thiếu thông tin về cách sử dụng an toàn và hợp lý. Nhu cầu dùng thuốc của người dân rất lớn cùng với nạn tự điều trị, sử dụng thuốc khá bừa bãi đã dẫn đến dị ứng thuốc. Nhà nước hiện chưa quản lý được các nguồn thuốc sản xuất trong nước, nhập khẩu nên việc sử dụng thuốc không an toàn...

 

Khi bị dị ứng thuốc thường xuất hiện những triệu chứng như thế nào, thưa GS?

 

Các biểu hiện lâm sàng của dị ứng thuốc hết sức đa dạng với 23 triệu chứng, hay gặp nhất là ban đỏ, mày đay, ngứa. Các triệu chứng ở da và niêm mạc xuất hiện nhiều nhất (chiếm 98%). Các trường hợp viêm loét hoại tử các hốc tự nhiên (Stevens Johson) và tuột lớp thượng bì (Lyell) là những hội chứng dị ứng muộn, tỉ lệ tử vong cao, nay đang khá phổ biến.

 

Tôi xin lưu ý là mọi thuốc đều có thể gây sốc phản vệ và dị ứng, do vậy khi có những biểu hiện trên cần đến ngay các cơ sở y tế để  khám và điều trị kịp thời.

 

Theo Ngọc Phương
Lao Động