Đi ngoài lẫn máu, đừng chủ quan!

Tú Anh

(Dân trí) - Dấu hiệu ung thư đại trực tràng rất dễ gây nhầm lẫn với các bệnh đường tiêu hóa khác. Chủ quan bỏ qua triệu chứng, bạn có thể qua thời gian vàng chữa trị.

TS.BS Phạm Văn Bình, Phó giám đốc Bệnh viện K cho biết, ung thư đại trực tràng rất phổ biến tại Việt Nam. Đây là loại ung thư đứng thứ 4 trong số 10 bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới. Ung thư đại trực tràng cũng đứng thứ 2 trong số 10 bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới.

Đi ngoài lẫn máu, đừng chủ quan! - 1

Đáng nói, biểu hiện của bệnh ung thư đại trực tràng không đặc trưng nên người bệnh thường không nghĩ tới ung thư. Trong khi đó, ung thư đại trực tràng có tiên lượng tốt nếu phát hiện sớm, với tỷ lệ khỏi bệnh sau 5 năm là 40-60%.

Vì thế, các chuyên gia hướng dẫn người dân nhận diện những triệu chứng chỉ điểm của ung thư đại trực tràng, để người bệnh đến viện điều trị càng sớm càng tốt.

Ở giai đoạn sớm, ung thư đại trực tràng thường không có biểu hiện rõ ràng khiến người bệnh chủ quan, lầm tưởng với những bệnh lý đường tiêu hóa khác như: chán ăn, cảm giác đầy bụng, khó tiêu, nôn, buồn nôn, táo bón, đi ngoài ra máu, cảm giác mệt mỏi, cân nặng sụt giảm ....

"Nhưng khi thấy có tình trạng đi ngoài lẫn máu, sút cân bất thường, phân dẹt, nhỏ, rối loạn tiêu hóa liên tục... đây có thể là dấu hiệu chỉ điểm cảnh báo ung thư đại trực tràng, người bệnh cần đến thăm khám để được tư vấn, điều trị kịp thời", TS Bình khuyến cáo.

Bác sĩ khuyến cáo người dân nên khám sức khỏe định kỳ, sau 40 tuổi cần được nội soi đường tiêu hóa để kiểm tra, phát hiện nguy cơ ung thư đại trực tràng.