Đeo khẩu trang có hiệu quả?

(Dân trí) - Những chiếc khẩu trang che kín miệng và mũi của giáo viên, trẻ nhỏ, cảnh sát và cả những người say rượu. Thậm chí cả ở trong nhà thờ, cha xứ cũng mang một chiếc khẩu trang phòng cúm. Nhưng liệu những miếng vải nhỏ này có tác dụng?

Đeo khẩu trang có hiệu quả? - 1

Hình ảnh thường thấy trong những ngày này tại bệnh viện Naval, thủ đô Mexico (Ảnh: AP)
Trong khi tại Mexico, hàng triệu chiếc khẩu trang được phát tới người dân thì ở Mỹ, chính quyền vẫn cho rằng có rất ít bằng chứng cho thấy khẩu trang mang lại hiệu quả cao. Một số bác sĩ thậm chí còn cảnh báo rằng khẩu trang còn gây hại, làm cho con người chủ quan trước các nguy cơ như tiếp tục tới chỗ đông người hoặc quên rửa tay... vì tin rằng khẩu trang có thể bảo vệ, tránh được bệnh tật.

 

Đeo khẩu trang ở khắp mọi nơi bị cho là kỳ quái, gây tâm lý bất an đối với các thành phố đông dân. Chúng cũng làm nhớ lại những mối đe dọa dịch bệnh trước đây: Đó là những tấm ảnh đen trắng chụp lại những đám đông trong đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, khiến hàng chục triệu người trên toàn thế giới mắc bệnh.

 

Tại các nhà ga, cảnh sát mang khẩu trang. Nhân viên bán hàng công nghệ, dược sĩ cũng đều mang chúng. Các trang báo đều đưa thông tin về việc nên tự bảo vệ bằng cách mang khẩu trang. Tổng thống Felipe Calderon cũng tự hào khẩu trang vào cuối tuần cùng với 6 triệu người khác.

 

“Chúng thực sự giá trị khi bạn tới chỗ công cộng hay nơi đông người”, Bộ trưởng Bộ Y tế Mexico Jose Angel Cordova cho biết, “Khẩu trang vẫn được coi là một “vũ khí” đủ sức để bảo vệ sức khỏe cộng động”.

 

Trong khi đó, các cơ quan sức khỏe Hoa Kỳ lại đưa ra những hướng dẫn khác. Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ cho rằng: Không có nhiều bằng chứng cho thấy khẩu trang thực sự hiệu quả và không khuyến nghị người dân mang khẩu trang khi tới các nơi công cộng. Cúm lợn được cho là lây truyền theo cơ chế giống như cúm mùa, tức là tiếp xúc với vi rút qua việc cầm, nắm các đồ vật có nhiễm vi rút rồi đưa tay đó lên mũi, miệng hoặc lây qua ho, hắt hơi.

 

“Có những bằng chứng cho thấy hiệu quả bảo vệ của khẩu trang rất thấp”, cố vấn khủng hoảng Peter Sandman (Mỹ), cho biết. Và vì thế ông chỉ trích chính phủ Mexico trong việc phát động toàn dân đeo khẩu trang là chỉ có ý nghĩa tâm lý.

 

“Bởi vì khẩu trang chỉ làm cho những người hay lo lắng cảm thấy an tâm còn những người vô tâm thì cho đây là một mối đe dọa nghiêm trọng”, Sandman nói. Ông dẫn chứng, trên các đường phố ở thủ đô Mexico, hầu hết mọi người đều cảm nhận một mối đe dọa nghiêm trọng. Những người lái xe mang khẩu trang khi ngồi một mình trong chiếc ô tô của chính họ. Những cặp tình nhân trẻ trò chuyện với nhau qua khẩu trang bịt kín mặt và các bậc cha mẹ thì đeo những chiếc khẩu trang nhỏ cho trẻ con và cả cho các bé mới đẻ. Một số người mang khẩu trang giống như những chiếc bùa thường đeo ở cổ hơn là để che miệng và mũi, biểu hiện niềm tin vào sự bảo vệ của đấng vô hình.
 

Dù còn nhiều tranh cãi về việc có nên đeo khẩu trang hay không ở góc độ quốc gia nhưng theo các chuyên gia cúm, dù thế nào, những người chăm sóc bệnh nhân cúm cũng cần được cấp loại khẩu trang đặc biệt, có độ lọc cực cao, đồng thời phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về khử trùng và vệ sinh thân thể. 

Phương Uyên

Theo AP