Đề phòng trẻ biếng ăn trong dịp Tết

Tết đến, bố mẹ bận rộn với bao lo toan, thời gian chăm sóc cho trẻ ít đi, trẻ tự ăn tự chơi, xem ti vi nhiều hơn, ăn nhiều hơn hoặc không ăn. Vì vậy Tết còn là dịp của các bệnh rối loạn tiêu hóa và viêm nhiễm đường hô hấp ở trẻ em.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM cho biết có rất nhiều vấn đề liên quan đến bữa ăn của trẻ trong những ngày Tết. Đi chơi nhiều nên nắng nóng làm trẻ uống nhiều nước, đặc biệt là nước ngọt làm đường máu cao ức chế sự thèm ăn.

 

Đối với trẻ suy dinh dưỡng thường bỏ bữa chính, chỉ thích ăn vặt, nhất là vào dịp Tết khi thói quen ăn uống thay đổi, trẻ ăn ngọt nhiều, tạo năng lượng rỗng làm đầy hơi, khó tiêu. Hơn nữa, các món ăn cứ được hâm đi hâm lại, ít rau quả tươi, có gia đình lại lười cả việc nấu cơm... làm cho trẻ dễ bị ngán ngấy và không thể ăn nhiều được.

 

Bên cạnh đó, việc trẻ ăn phải các loại thực phẩm không hợp vệ sinh (do phẩm màu độc hại, nhiễm vi khuẩn, bụi bặm do phơi ngoài trời...) hoặc thức ăn cũ bị ôi thiu, lên mốc (nhất là lạp xưởng, bánh chưng để lâu ngày) sẽ dễ bị bệnh, rối loạn tiêu hóa... càng làm trẻ sụt cân nhiều hơn.

 

Tuy nhiên, không nên quá cứng nhắc trong chế độ ăn ngày Tết khi mọi thứ đều thay đổi. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, có thể cho trẻ ăn bất cứ thứ gì trong bữa giỗ gia tiên, miễn là đủ chất dinh dưỡng, chẳng hạn một tô miến, một tô bún... nhưng thêm một muỗng dầu ăn cho trẻ nếu trẻ ăn ít. Đây cũng là cơ hội tập cho trẻ ăn những thức ăn lạ.

 

Cần xem xét trẻ đã ăn thức ăn gì trước bữa ăn, nếu trẻ đã ăn một miếng bánh chưng, một ít bánh ngọt rồi thì có thể chỉ cần bổ sung một ly sữa hay một hũ yaourt, một miếng thịt nữa là đủ. Tránh cho trẻ ăn vặt suốt ngày mà nên đưa chung vào bữa chính hoặc thành một bữa ăn phụ. Nên giữ đúng giờ cho những bữa chính, tuy nhiên nếu có thay đổi thì cho trẻ ăn những thức ăn bổ sung trước hoặc sau bữa ăn chính. Nên hạn chế kẹo, bánh, nước ngọt trước giờ ăn chính. Cho trẻ ăn những thực phẩm này sau bữa ăn chính là tốt nhất.

 

Cần mua sẵn một số thực phẩm có thể dự trữ mà không cần tủ lạnh để tiện đem đi xa, và cho trẻ ăn bổ sung như sữa tươi trong hộp giấy hoặc sữa bột, mì ăn liền, khoai củ, nước đóng chai...

 

Theo Nhất Phương

Người lao động