Để đầu năm không ốm

Chẳng ai muốn đau ốm trong những ngày năm mới, cũng chẳng chị em nào muốn trọng lượng thay đổi những ngày đầu năm mới, vậy làm thế nào để tránh khỏi những “rắc rối” không mong muốn ấy? Dưới đây là lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng…

Để đầu năm không ốm  - 1

Ảnh: Veffa
Tết khỏe cho bé

 

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, Tết là ngày khiến trẻ dễ ốm nhất. Việc chơi Tết, ăn Tết khiến chúng mải chơi quên việc ăn uống. Hay việc ăn kẹo, ăn bánh, uống nước ngọt nhiều khiến chúng lưng lửng bụng, bỏ ăn. Chơi Tết cũng khiến chúng thức khuya hơn, bỏ qua giấc ngủ trưa quen thuộc… Thế nhưng, Tết nhất, mấy ai nỡ cấm đoán.

 

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong những món ăn truyền thống, có một số món ăn có chứa các chất dinh dưỡng giúp trẻ chống lại bệnh tật và làm giảm nguy cơ ốm cho trẻ trong chính những ngày ăn uống thất thường này. Chỉ là miếng bánh chưng với vài củ hành muối, mấy hạt bí cắn chắt, miếng xôi gấc là có thể giúp trẻ nâng cao sức đề kháng của mình.

 

Các nhà khoa học đã chứng minh, nguồn beta carotene có trong gấc sẽ giúp trẻ đề phòng được chứng khô mắt, mờ mắt… và bổ sung thêm nguồn vitamin A dự trữ cho cơ thể. Không chỉ thế, beta carotene này vào cơ thể và chuyển hóa thành carotene đây chính là “thần dược” chống ôxy hóa cho cơ thể, tăng cường cho hệ miễn dịch, cho cơ thể khỏe mạnh. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng nguyên liệu để làm bánh chưng là tổng hợp của những vị thuốc quý. Những chiếc lá dong dùng để gói bánh có tác dụng giải độc.

 

Đậu xanh có trong nhân bánh có chứa chất arginin giúp cơ thể chống dị ứng và làm ổn định lượng máu trong cơ thể. Thêm một chút hạt tiêu có tác dụng tuần hoàn não, máu hoạt động tích cực hơn. Vị cay cay của dưa hành… giúp cho hệ tiêu hóa làm việc năng suất hơn. Các hoạt chất có trong hành có khả năng tiêu diệt hơn 100 loại vi khuẩn có hại cho cơ thể. Các loại hạt dưa, hạt bí có chứa rất nhiều magiê, các chất dinh dưỡng như protid, glucid, lipid, vitamin B1, B2, E, PP, canxi, sắt, kẽm, phốt pho, selen… lại cung cấp cho cơ thể một lượng chất xơ lớn.

 

Đặc biệt nhất là các loại mứt. Mứt gừng có chứa tới gần 400 hoạt chất giúp cho các tế bào trong cơ thể luôn ấm áp. Cà rốt có glucoza, lecithin, carotene, dầu thực vật,… kích thích ăn và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Mứt quất giúp cho giọng ngọt ngào hơn. Mứt sen là quà tặng cho giấc ngủ. Mứt cà chua, mứt bí, mứt dừa giúp trẻ thải bớt độc tố.

 

Còn một vấn đề nữa là ngộ độc thức ăn. Nguyên nhân là do trẻ ăn phải những thức ăn bị nhiễm khuẩn hoặc thực phẩm có chứa hóa chất độc hại. Thông thường, chỉ một giờ sau khi ăn, trẻ có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, đau bụng, buồn nôn và nôn vài lần. Để tránh cho trẻ những hiện tượng này, bạn có thể cho chúng ăn vài nhánh tỏi luộc. Hãy luộc 5 - 6 nhánh tỏi và uống nước luộc tỏi cùng với mật ong. Không chỉ bé, nếu có thể, hãy luộc tỏi cho cả gia đình.

 

Giải pháp cho gia đình

 

Dinh dưỡng cân bằng, hợp lý, hạn chế bia rượu, cố gắng đi ngủ đúng giờ là lời khuyên đầu tiên các chuyên gia dinh dưỡng dành cho bạn. Thế nhưng, đi chúc Tết, chẳng nhẽ người ta mời chén rượu, miếng bánh lại cật lực từ chối để dành bụng về nhà ăn cơm đúng giờ? Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề này.

 

Chọn lựa thực phẩm: Thiên nhiên đã đưa vào trái cây một lượng nước đầy đủ cộng với nhiều chất dinh dưỡng. Lượng nước đó làm giảm đậm độ năng lượng của trái cây, nhưng nguồn chất dinh dưỡng vitamin cả chất khoáng vẫn được bảo tồn. Vì vậy trái cây là loại thực phẩm có đậm độ năng lượng thấp và giàu vitamin, khoáng. Rau, củ, quả cũng tương tự.

 

Bạn nên ưu tiên cho sắc đỏ hồng như cà chua, dưa hấu, đu đủ, dâu, lựu… Những loại hoa quả có màu đỏ và tím đậm như mận xanh, nho, củ cải đỏ. Những loại rau quả có màu xanh, trắng như bông cải xanh, bông cải trắng, rau diếp, mồng tơi, rau dền, rau lang, đậu xanh. Những loại hoa quả có màu cam và vàng như cà rốt, quýt, cam, dưa, lê, khoai tây, mồng tơi, rau diếp, rau lang, tiêu xanh, rau ngót, hành tây… Vì chúng giúp dễ tiêu hóa. Thực phẩm có nhiều chất xơ như ngũ cốc, gạo, bánh mì… cũng là nguồn thực phẩm có độ năng lượng thấp.

 

Bằng cách thêm vào hoặc thay thế rau củ quả cho các món ăn giàu năng lượng (giàu chất béo, bột đường), bạn có thể giữ được khối lượng thức ăn đưa vào không đổi, giúp đạt được cảm giác ăn đủ mà vẫn kiểm soát năng lượng đưa vào.

 

Uống nhiều nước: Ngày thường bạn đã được khuyên uống tám ly nước mỗi ngày. Vào ngày Tết bạn càng phải lưu ý hơn đến điều này vì thông thường trong những bữa ăn ngày Tết, bạn uống nước ngọt hoặc bia nhiều hơn.

 

Những thức uống đó và một số thức ăn khác như rượu, trà, cà phê thực chất chỉ giúp cho bạn giải khát chứ không thể bổ sung nước cho cơ thể tốt bằng nước lọc. Hãy cố gắng uống nhiều nước lọc trong ngày, vì nếu bị thiếu nước cơ thể sẽ gửi đi tín hiệu khiến bạn ăn nhiều hơn để bù vào lượng nước đó. Hơn nữa, uống nhiều nước, bạn có thể làm giảm bớt cảm giác thèm ăn.

 

Nhai kẹo cao su: Động tác này không chỉ giúp ngăn sự ngon miệng, mà còn giảm thiểu cơn thèm những món ăn ngọt. Nó có tác dụng kiểm soát lượng calo tiêu thụ, giữ được số đo vòng eo của bạn. Việc nhai kẹo cao su làm giảm việc tiêu thụ món ăn nhẹ khoảng 36 calo với không nhai kẹo. Tuy không nhiều, nhưng cộng dồn lại tổng một tuần giúp bạn hạn chế được 252 calo, tương đương với một miếng bánh kem trung bình. Nói tóm lại, nhai kẹo cao su sau bữa ăn có thể kiềm chế sự thèm ăn và làm giảm năng lượng hấp thụ từ các bữa ăn nhẹ.

 

Duy trì tập luyện tại nhà: Dù chỉ có vài ngày nhưng bạn vẫn nên duy trì tập luyện. Tuy nhiên, bạn phải có quyết tâm cao mới có thể chiến thắng những cám dỗ của không khí ngày Tết là nghỉ ngơi và vui chơi thoải mái.

 

Dù chỉ là bỏ ra 10 phút buổi sáng để tập luyện aerobic nhưng tập có khoa học vẫn sẽ mang lại hiệu quả cao: Một phút dành cho khởi động, tám phút còn lại thực hiện các động tác phối hợp tay, chân, eo, lưng, bụng… theo tốc độ nhanh dần. Với 8 phút này, cường độ hoạt động cao sẽ giúp cơ thể đốt cháy nhiều năng lượng và tiết mồ hôi nhiều bằng tập luyện kéo dài. Một phút còn lại dành cho việc thả lỏng. Đợi khô hết mồ hôi, việc tắm buổi sáng sẽ tốt cho cơ thể, nhất là cho làn da và mang lại sự tỉnh táo cho một ngày xuân mới.

 

Ngoài ra, bạn không nên ngồi một chỗ khi ăn. Liên tục nhúc nhích trong khi dùng bữa giúp bạn đốt thêm một ít calo/ngày. Nó còn gia tăng mức độ  trao đổi chất lên 46%, nếu ăn trong lúc đứng giảm được 69%.

 

Hạn chế bia rượu: Trong số các mối nguy hiểm ngày Tết, uống quá nhiều rượu là điều nguy hiểm lớn nhất. Rượu bia ngấm vào máu rất nhanh, nhất là ở phụ nữ. Vì vậy không nên uống rượu khi chưa ăn gì và không nên điều khiển xe máy, ôtô khi đã uống vì có thể gây nguy hiểm cho khách bộ hành dù chỉ chạy xe trên một đoạn ngắn.

 

Ngoài ra, người không quen uống rượu còn có nguy cơ nôn mửa dẫn đến bất tỉnh. Sẽ hết sức nguy hiểm khi đang dùng thuốc điều trị bệnh mà lại đi uống rượu. Nếu đã uống nhiều rượu và thức dậy vẫn chưa tỉnh táo vào sáng hôm sau, vẫn bổ sung nước cho cơ thể, ít nhất là 1,5 lít.

 

Nhấn giữa ngón cái và ngón trỏ: Nấu nướng, lo toan công việc nhà, làm đẹp… có thể làm cho phụ nữ phải chịu đựng cảm giác căng thẳng và mệt mỏi trong các kỳ nghỉ. Để có thể xả stress và loại trừ lo âu phiền muộn, các chị em nên nhấn vào vùng thịt giữa ngón cái và ngón trỏ. Cách bấm huyệt này sẽ giúp cải thiện được tình hình. Việc massage bàn chân trong vài phút cũng giúp chị em thư thái hơn.

 

Theo Tư vấn tiêu dùng