ĐBSCL: Bệnh tay chân miệng lan nhanh vào trường học

(Dân trí)- Theo ngành Y tế các tỉnh ĐBSCL, hiện bệnh tay chân miệng đã lan vào nhiều trường học mầm non, mẫu giáo. Trong đó có nhiều trẻ đã tử vong.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.Cần Thơ, cho biết bệnh tay chân miệng đã xuất hiện ở  trường Mẫu giáo Phong Lan (quận Bình Thủy) với 8 trường hợp trẻ mắc bệnh trong cùng 1 lớp.

Cũng theo thông tin của Sở Y tế, tính từ đầu năm 2011 đến ngày 22/9, toàn thành phố phát hiện 514 trường hợp tay chân miệng, tăng 419 trường hợp so với cùng kỳ năm 2010, không có trường hợp nào tử vong.

Trước nguy cơ bệnh tay chân miệng lan rộng, ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPCần Thơ đã có công văn khẩn yêu cầu các ngành chức năng triển khai mọi biện pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh này.

Phó Chủ tịch UBND TP chỉ đạo Sở Y tế tổ chức thực hiện giám sát, xử lý ổ dịch triệt để, không để lan rộng kéo dài. Trung tâm Y tế dự phòng tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, làm sạch nền nhà, bề mặt bàn ghế, đồ chơi, vật dụng của trẻ trong các hộ gia đình, nhóm trẻ tập trung, nhà trẻ, mẫu giáo. Trung tâm Truyền thông sức khỏe tăng cường tuyên truyền, giáo dục về các biện pháp vệ sinh phòng chống bệnh. Phó Chủ tịch TP đặc biệt lưu ý, việc tuyên truyền phải đến từng từng tổ dân phố, hộ gia đình, trong cộng đồng.

Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, phương tiện cấp cứu, điều trị…để kịp thời chẩn đoán, thu dung và điều trị bệnh nhân. Thành lập các đội cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị trong cấp cứu.

Phó Chủ tịch TP yêu cầu ngành Giáo dục chỉ đạo, hướng dẫn các trường học, nhà trẻ tập trung, nơi có trường hợp bệnh xử lý triệt để ổ dịch theo hướng dẫn của ngành y tế. Các trường phải thông báo kịp thời cho ngành y tế nếu phát hiện ca bệnh, ổ dịch.
 
Còn tại tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm 2011 đến nay, toàn tỉnh có trên 3.000 ca mắc bệnh tay chân miệng. Trong đó, huyện Cao Lãnh là địa phương có số ca mắc bệnh cao nhất của tỉnh, trên 700 ca, có 3 ca tử vong.
 
Trước tình hình bệnh tay chân miệng lan nhanh, lãnh đạo huyện Cao Lãnh chỉ đạo ngành y tế triển khai các biện pháp để hạn chế dịch bệnh lây lan. Do bệnh xay ra chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi nên ngành Giáo dục cần phải thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ. Ngoài ra, cũng khuyến cáo đến từng phụ huynh phải theo sát trẻ để kịp thời phát hiện những trường hợp bệnh.
 
Tại tỉnh Bạc Liêu, ngành Giáo dục tỉnh cho biết hiện có 3 trường mầm non trên địa bàn huyện Phước Long và TP.Bạc Liêu phải đóng cửa vì bệnh tay chân miệng. Ngành y tế tỉnh Bạc Liêu cho hay, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có khoảng 500 ca mắc bệnh tay chân miệng.
 
Tại Hậu Giang, hiện có khoảng 10 trường mầm non ở các huyện Vị Thủy, Phụng Hiệp, Châu Thành phải cho đóng cửa vì bệnh tay chân miệng. Toàn tỉnh Hậu Giang có trên 200 ca mắc bệnh này.
 
Huỳnh Hải