Đắk Lắk: Số ca sốt xuất huyết tăng gần 30 lần

(Dân trí) - Đến giữa tháng 7, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tại Đắk Lắk đã hơn 1.700 trường hợp, tăng gấp 27 lần so với cùng kỳ năm 2012.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị.

Theo báo cáo tại Hội nghị “Triển khai kế hoạch phòng chống SXH năm 2013” được Sở Y tế Đắk Lắk tổ chức ngày 19/7, một số huyện có số ca SXH cao như: huyện Ea Kar hơn 500 trường hợp, huyện Buôn Đôn hơn 400 trường hợp, thành phố Buôn Ma Thuột gần 400 trường hợp…

Tại huyện Ea Kar, địa phương có số ca SXH nhiều nhất Đắk Lắk đang bị nghi ngờ 16/16 xã, thị trấn có bệnh nhân SXH. Trong đó SXH tập trung nhiều nhất tại các xã Cư Huê, Ea Kmut, thị trấn Ea Kar, xã Ea Đa, xã Cư Ni…

Tại thành phố Buôn Ma Thuột, trong số gần 400 ca bị SXH thì có 10 ca cảnh báo, SXH có tất cả trên 21 phường, xã của thành phố này. Trong đó một số phường có số ca SXH nhiều như: phường Thành Công, Tự An, Tân Thành, Tân Tiến, Tân An… Tại Hội nghị, ngành y tế thành phố Buôn Ma Thuột cũng cho biết thành phố này đã xuất hiện 3 ổ dịch SXH là: Tự An, Tân Tiến và Thành Công.

Theo nhận định, trong thời gian tới SXH sẽ diễn biến phức tạp và không ngừng gia tăng tại thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng và toàn tỉnh Đắk Lắk nói chung vì bước vào mùa mưa nên việc vệ sinh môi trường sẽ bị hạn chế, cho nên muỗi có cơ hội để sinh sản và phát triển.

Quang cảnh hội nghị
Đến giữa tháng 7, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tại Đắk Lắk đã hơn 1.700 trường hợp, tăng gấp 27 lần so với cùng kỳ năm 2012. 

Hiện ngành y tế tỉnh Đắk Lắk đang tập trung hóa chất, phương tiện, máy móc, vật tư… nhằm đáp ứng cho công tác phòng chống SXH, đồng thời tăng cường giám sát dịch tễ bệnh SXH nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc trong các cơ sở y tế và cộng đồng, đảm bảo 100% số ca mắc SXH được giám sát.

Việc hướng dẫn phát hiện ổ bọ gậy, phòng chống chủ động tại hộ gia đình, hướng dẫn phun hóa chất diệt muỗi đang được tập trung tối đa; mặt khác tỉnh Đắk Lắk đang tăng cường lực lượng cán bộ phòng chống SXH ở các tuyến tỉnh, huyện và xã.

Bên cạnh đó, công tác tập huấn về giám sát phòng chống, chẩn đoán, điều trị SXH hiện đang được đặc biệt chú trọng, nhất là hoạt động phòng chống SXH Dengue trong trường học; ngành y tế tỉnh Đắk Lắk đang huy động toàn thể cộng đồng cho công tác phòng chống SXH Dengue.

 SXH Dengue là bệnh truyền nhiễm do virut Dengue gây nên. Virut Dengue có 4 típ thanh là: DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Virut truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt, muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu. Đặc điểm của SXH Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử lý kịp thời dễ đến tử vong.

Viết Hảo