Đại biểu Quốc hội xót xa 20.000 viên thuốc ung thư giá 14 tỷ đồng phải tiêu hủy

(Dân trí) - Gần 20.000 viên thuốc điều trị ung thư giá trị 14 tỷ đồng tồn kho, phải tiêu hủy vì quá hạn sử dụng, dù là được tài trợ cũng vẫn là sự lãng phí lớn. Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhận định, cần rút kinh nghiệm qua việc này là khâu thủ tục hành chính nặng nề kéo dài khiến người bệnh mất cơ hội…

Ngày 24/5, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Bùi Sỹ Lợi trao đổi về sự việc Thanh tra TPHCM vừa công bố kết luận khi kiểm tra kho thuốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP Hồ Chí Minh đến ngày 31/12/2015 còn tồn kho 19.997 viên thuốc Tasigna 200mg giá trị gần 14 tỷ đồng đã hết hạn sử dụng, buộc phải tiêu hủy, khiến dư luận bức xúc.

Đánh giá khách quan sau vụ việc, ông Lợi cho rằng, bệnh viện, ngành Y tế TPHCM, cũng như các cơ quan của thành phố đã thực hiện chủ trương rất tốt để giảm bớt chi phí cho người bị bệnh ung thư. Việc phải tiêu hủy gần 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư có nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi.
Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi.

Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội lật lại vấn đề, sự việc bắt đầu từ chuyện, có 200 người bị ung thư máu nằm điều trị ở bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM. Khi làm kế hoạch để xin tài trợ thuốc điều trị, chỉ có 50 người đăng ký dùng thuốc này vì ngoài phần chi phí được hỗ trợ, người bệnh vẫn phải bỏ ra 42 triệu trong 1 năm, nhiều người khó khăn. Đến khi đưa thuốc về cũng chỉ có 26 người sử dụng.

Từ chuyện khởi phát này, ông Lợi nhận định, có một phần “lỗi” là bệnh viện xác định kế hoạch không chuẩn.

Nguyên nhân khác là do thuốc được tài trợ độc quyền bởi công ty Novartis nên việc sử dụng được yêu cầu chặt chẽ. Việc chuyển cho bệnh nhân khác sử dụng thuốc phải được sự đồng ý của nhà tài trợ, bệnh viện cũng gặp khó trong việc xử lý.

Dù vậy, về mặt chủ quan, theo ông Lợi, sự việc gây bức xúc khi lô thuốc gần hết hạn sử dụng nhưng đơn vị quản lý, bệnh viện không báo cáo kịp thời với cơ quan chức năng để xin chủ trương điều chuyển để sử dụng có hiệu quả số thuốc không hề rẻ này.

“Điểm cần rút kinh nghiệm trong việc phải tiêu hủy gần 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư này là thủ tục hành chính bị kéo dài, qua các khâu. Chúng ta phải cố gắng làm sao không để thất thoát, lãng phí nguồn lực trong lĩnh vực này. Dù số thuốc là được tài trợ, phần vốn đối ứng không đáng kể nhưng rõ ràng để phải tiêu hủy cả lô thuốc giá trị như thế là rất lãng phí” – ông Lợi nói.

Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội đặt vấn đề về vấn đề “nghẽn” thủ tục gây hệ quả đáng tiếc trong sự việc này. Lô thuốc được sản xuất tháng 6/2013, có thời hạn sử dụng trong 23 tháng. Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TPHCM bắt đầu làm thủ tục tiếp nhận thuốc vào tháng 7/2013 mà mất đến hơn 9 tháng, qua rất nhiều khâu mới đưa được thuốc về.

Cục Quản lý dược – Bộ Y tế phải 2 lần xem xét. Thời gian cũng kéo dài ở chỗ Tổ chức Liên hiệp Hữu nghị của TPHCM mất 3 tháng cho khâu xét duyệt, trong khi theo quy định, quy trình tối đa chỉ 23 ngày.

“Khi làm xong thủ tục, đưa thuốc về được đến cảng thì thời hạn sử dụng chỉ còn 10 tháng. Khi thuốc vào đến kho của bệnh viện và người bệnh đầu tiên được tiếp nhận, sử dụng thì hạn sử dụng chỉ còn 8,5 tháng. Vậy nên, lô thuốc được dùng sau 6 tháng rồi mà vẫn còn tồn 1/3. Bệnh viện lại không nhanh chóng xử lý dẫn đến việc thuốc quá hạn, phải tiêu hủy. Rất lãng phí trong khi có nhiều người bệnh rất cần số thuốc này” – ông Lợi nêu quan điểm.

Dù vậy, ông cũng bác bỏ nhận định là bệnh viện, các cơ quan quản lý vô cảm, thiếu trách nhiệm trong sự việc này mà nguyên nhân chủ yếu là từ khách quan, từ vấn đề lên kế hoạch, xin chỉ tiêu cho tới vấn đề thủ tục hành chính quá rườm rà khiến một lô thuốc rất đặc biệt như vậy mà để đưa về cho người bệnh cần cũng kéo dài tới hơn 9 tháng.

Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi cho biết, UB Các vấn đề xã hội sẽ có văn bản báo cáo UB Thường vụ Quốc hội về việc này, đồng thời đề nghị Bộ Y tế tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, công khai, minh bạch nhiều hơn nữa trong lĩnh vực này với tinh thần trước hết là phục vụ người bệnh.

P.Thảo