Đà Nẵng: Bệnh tay chân miệng ở trẻ em tăng nhanh

(Dân trí) - Sau khi bệnh tay-chân-miệng ở trẻ em bùng phát mạnh ở Quảng Ngãi và các tỉnh phía Nam, trong 2 tuần trở lại đây, bệnh tay-chân-miệng ở trẻ em đang có xu hướng tăng nhanh tại TP Đà Nẵng với 10-15 ca đến khám và điều trị tại bệnh viện Đà Nẵng mỗi ngày.

Hơn 1 tuần nay, Trung tâm Phụ sản - nhi thuộc Bệnh viện Đà Nẵng có từ 70 đến 80 ca trẻ em mắc bệnh tay chân miệng đang điều trị tại đây mỗi ngày, gần 1 nửa trong số đó là các bện nhi trên địa bàn TP Đà Nẵng. Cả khu vực nội trú có 50 giường đều chật kín chỗ và đang trong tình trạng quá tải.
Đà Nẵng: Bệnh tay chân miệng ở trẻ em tăng nhanh  - 1
Trẻ em nhập viện bệnh tay chân miệng ở Đà Nẵng đang có xu hướng tăng cao

Phó trưởng khoa Nhi (Trung tâm Nhi Phụ sản - nhi, Bệnh viện Đà Nẵng) bác sỹ Lê Văn Đoan cho biết: Từ cuối tháng 5 đến nay, bệnh nhân tay chân miệng có biểu hiện tăng đột biến. Mỗi ngày Khoa Nhi tiếp nhận từ 10-15 ca vào khám và điều trị. Trong ngày 14/6, tại đây đang điều trị 71 ca, trong đó có 23 em là trẻ em trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Bác sỹ Đoan cũng cho biết, từ đầu mùa dịch đến nay, có 5 ca bệnh nặng được điều trị tại bệnh viện. Trong đó, cháu Dương Tấn Khoa (2 tuổi) bị bệnh rất nặng từ Quảng Ngãi chuyển ra điều trị tại bệnh viện ngày 26/5 thì đến ngày 29/5 cháu đã tử vong.

Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng đã có văn bản khẩn gửi các trường học và Đội Y tế dự phòng các quận, huyện tăng cường công tác giám sát tình hình bệnh tay chân miệng cũng như một số loại bệnh dễ lây nhiễm khác.

Cho đến nay, qua xét nghiệm một số bệnh nhi ở Đà Nẵng cho thấy chưa phát hiện có chủng vi rút EV 71, một loại vi rút có thể gây biến chứng nặng đã xuất hiện ở Quảng Ngãi. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là số ca nhiễm bệnh ở Đà Nẵng đang có xu hướng tiếp tục tăng cao.

Theo bác sỹ Lê Văn Đoan, các cháu có biểu hiện như sốt cao liên tục, thay đổi tính tình bất thường, hay giật mình hốt hoảng không có lý do nhiều lần trong ngày, nặng hơn là hôn mê co giật thì phụ huynh nên đưa con ngay đến bệnh viện để được điều trị kịp thời. Không nên tự ý điều trị bệnh ở nhà, vì sẽ rất dễ xảy ra biến chứng do sức đề kháng của trẻ em yếu.

Bác sĩ Đoan cũng cho biết bệnh này rất đơn giản và cách phòng ngừa cũng không khó, chỉ cần người dân nên chủ động phòng bệnh bằng cách giữ gìn vệ sinh ăn uống cho các cháu, giữ tay chân sạch sẽ hàng ngày, mở cửa các phòng học và phòng sinh hoạt trong gia đình để diệt vi khuẩn.

Đặc biệt, đối với các trường mầm non nếu phát hiện có trẻ cùng một lớp bị bệnh tay chân miệng thì sẽ buộc nghỉ học 10 ngày đối với cả lớp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan của bệnh trong cộng đồng.

 Công Bính