Cứu sống bệnh nhân chảy máu tuyến thượng thận

(Dân trí) - Ngày 24/4/2006, Bệnh viện Xanh Pôn tiến hành phẫu thuật cho một bệnh nhân bị sốc rất nặng do chảy máu tuyến thượng thận bên trái. Bệnh nhân là Nguyễn Thị Q, 79 tuổi, ở Hà Nội, vào viện ngày 21/4/2006 với các triệu chứng đau bụng, mệt lả, cảm giác hồi hộp đánh trống ngực.

Thăm khám bác sĩ thấy mạch bệnh nhân nhanh 132 lần/ phút. Đến 15 giờ ngày 24/4, bệnh nhân đột ngột rơi vào tình trạng sốc, mạch quay không bắt được, huyết áp không đo được.

 

Tiến hành siêu âm và chụp cắt lớp vi tính cấp cứu phát hiện thấy khối máu tụ khu vực tuyến thượng thận trái, máu lan nhanh ra khoang sau phúc mạc rồi tràn vào trong ổ bụng. Ngay lập tức, bệnh nhân được phẫu thuật với chẩn đoán sốc do chảy máu tuyến thượng thận trái. Các bác sĩ đã lấy ra khoảng 1.600ml máu trong ổ bụng và khoang sau phúc mạc, cắt bỏ tuyến thượng thận trái, cầm máu kỹ.

 

Hiện tại bệnh nhân đã thoát khỏi tình trạng nguy hiểm, các bác sĩ đang tích cực hồi sức và điều trị, tiên lượng bệnh nhân có thể ổn định.

 

Chảy máu tuyến thượng thận là một bệnh lý rất hiếm gặp, khó chẩn đoán, thường hay bỏ sót. Thông thường, số lượng máu không nhiều, nên các triệu chứng nghèo nàn, mơ hồ, thậm chí không có triệu chứng.

 

Khi khối máu tụ thoái triển, hình thành các nốt vôi hoá, nang dịch, hay xơ hoá tuyến thượng thận. Các di chứng để lại làm cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi, ăn uống kém, hay đau bụng, yếu cơ, sạm da.

 

Ở trẻ em, đặc biệt trẻ sơ sinh và nhũ nhi, chảy máu tuyến thượng thận thường do nguyên nhân thiếu oxy não như trẻ đẻ ra bị ngạt, trẻ thiếu tháng... Một số trường hợp chảy máu tuyến thượng thận do thiếu Vitamin K.

 

Ở trẻ lớn và người trưởng thành, chảy máu tuyến thượng thận thường do sử dụng các thuốc chống đông máu kéo dài, các Stress trong cuộc sống, nhiễm trùng huyết, u tuyến thượng thận, hội chứng Waterhouse - Friderichsen...

 

Trường hợp chảy máu nhiều, bệnh nhân có các dấu hiệu của mất máu trong như da xanh, niêm mạc nhợt, mạch nhanh nhỏ, huyết áp hạ. Xét nghiệm công thức máu thấy giảm số lượng hồng cầu, hematocrit thấp, huyết sắc tố thấp. Các chất điện giải như ion Natri hạ, Kali tăng, Glucose hạ. Người bệnh có thể rơi vào tình trạng sốc và tử vong đột ngột do mất máu và giảm nồng độ Hormon vận mạch Adrenocortical.

 

Điều trị nội khoa chảy máu tuyến thượng thận là hồi sức tích cực, bù nước và điện giải, Sử dụng Hydrocortisone, Vitamin K, Vitamin C, truyền máu tươi toàn phần. Chỉ định phẫu thuật khi thấy chảy máu tiến triển, nguy cơ bệnh nhân tử vong do sốc mất máu.

 

BS Trần Văn Phúc

(BV Xanh Pôn)