Cuồng mua sắm, chồng "tống" vợ vào viện tâm thần

Ngày nào Hạnh cũng cầm theo khoảng 10 triệu đồng, rồi vào siêu thị một lát là tiêu hết veo. Hạnh mua sắm nhiều đến nỗi phải thuê cả ô tô tải chở đồ về nhà chất hàng đống mà không hề dùng đến... khiến anh chồng phát sợ phải đưa gấp vào viện tâm thần.

Theo bác sỹ Bế Thị Hiển, Trưởng khoa Lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội), trong đời sống hàng ngày, có rất nhiều những hành vi, bị liệt vào chứng tâm thần, nhưng không phải ai cũng biết. Chẳng hạn như những phụ nữ mắc bệnh nghiện mua sắm một cách thái quá. Như trường hợp của một bệnh nhân tên Hạnh...

 

Cầm cả chục triệu để mua sắm mỗi ngày

 

Theo lời kể của bác sỹ Hiển, trước khi vào viện, Hạnh là một hướng dẫn viên du lịch. Bỗng nhiên có một giai đoạn, Hạnh mắc chứng nghiện mua sắm.

 

Cuồng mua sắm, chồng tống vợ vào viện tâm thần

Mỗi ngày Hạnh mua sắm hết cả chục triệu đồng. Ảnh minh họa

 

Mỗi ngày, Hạnh cầm theo người cả chục triệu đồng, lang thang khắp các siêu thị nọ đến cửa hàng kia để mua sắm. Hạnh mua nhiều đến nỗi, có nhiều lần phải thuê cả ô tô tải để chờ về nhà rồi chất thành từng đống mà không hề dùng đến.

 

Rồi hôm sau, Hạnh lại tiếp tục đi mua sắm. Đến mức, Hạnh cứ đi đến đâu thì người bán hàng vui đến đó. Còn chồng Hạnh thì kêu oai oái, vì mỗi ngày căn nhà nhỏ phải chứa thêm hàng đống đồ mà vợ mới mua về.

 

Thế nhưng, hễ cứ chồng góp ý là Hạnh lại nổi đóa lên rồi giận dữ, quát tháo.

 

Cuối cùng, anh chồng đành lặng lẽ giấu vợ gọi người đến bán thống bán tháo những món đồ mà vợ mua về nhưng không dùng đến để gỡ gạc lại chút tiền, và cũng là để giải phóng cho cái không gian trong nhà.

 

Nhưng, cứ “giải phóng mặt bằng” được chút nào thì ngày hôm sau, y như rằng lại một xe chở đồ đỗ xịch trước cửa, rồi lại một loạt những món đồ được vợ thuê người khệ nệ bê vào đặt khắp nhà khiến anh chồng phát sợ.

 

Căn bệnh nghiện mua sắm của Hạnh kéo dài mấy tháng liền, bao nhiêu tiền mặt tích cóp được của 2 vợ chồng bị Hạnh tiêu hết veo. Đến khi không còn tiền thì Hạnh đi vay tiếp bạn bè để mua sắm.

 

Đến nước này thì anh chồng và gia đình chồng sợ quá phải đưa Hạnh vào viện tâm thần để điều trị.

 

Tại bệnh viện tâm thần, Hạnh được bác sĩ tâm lý chẩn đoán là bị xung động mua sắm do rối loạn hỗn hợp lo âu - trầm cảm.

 

Cầm cả tiền tiết kiệm mua nhà để mua sắm

 

Theo các bác sỹ tâm thần, người mắc xung động mua sắm thường xuyên bị thôi thúc bởi cảm giác phải đi mua sắm. Họ có thể chẳng nhớ nổi mình đã mua những thứ gì và mua để làm gì ngay khi vừa rời cửa hàng.

 

Nhưng thông qua việc mua sắm, họ cảm thấy tự tin hơn, thoải mái hơn, thậm chí, việc mua sắm cũng có thể khiến họ quên đi những khó khăn, hay áp lực trong cuộc sống.

 

Mặc dù ngay lúc đó, họ vẫn ý thức được rằng, mua sắm nhiều sẽ tốn tiền, nhưng những ý nghĩa đó chỉ được xuất hiện thoáng qua, và họ lại tiếp tục lao vào những cuộc mua sắm.

 

Cuồng mua sắm, chồng tống vợ vào viện tâm thần
 Cô chẳng nhớ nổi mình mua những thứ gì để rồi hôm sau lại đi mua tiếp. Ảnh minh họa

 

Vì thế mà, khi mắc xung động mua sắm, họ sẵn sàng dùng hết cả tiền mặt, thậm chí là tiền tiết kiệm để mua nhà ra mua sắm như trường hợp của Thảo - nhân viên của một ngân hàng lớn tại Hà Nội, hiện đang được điều trị tại bệnh viện tâm thần Mai Hương.

 

Theo lời kể của chính nhân vật, thì trước khi nhập viện, cứ hết giờ làm việc ở cơ quan là Thảo lang thang đi khắp các phố phường nọ rồi đến siêu thị kia để mua đồ, mà không cần để ý gì đến giá cả.

 

Không những thế, giai đoạn đó, Thảo còn có sở thích đi... taxi để ngắm cảnh và xả stress. Cứ vài ngày Thảo lại bắt taxi về Thanh Hóa, rồi đến nơi, Thảo lại ngược trở lại Hà Nội ngay...

 

Có bao nhiêu tiền mặt rồi tiền trong sổ tiết kiệm, Thảo đều rút ra để tiêu hết. Thậm chí số tiền Thảo để dành được định cho anh trai vay mua nhà, Thảo cũng đòi về và dùng hết vào việc mua sắm, đi taxi...

 

Đến khi không còn tiền, Thảo cũng đi vay để... tiêu. Nhưng bị gia đình ngăn cấm và đưa vào viện tâm thần để khám.

 

Khi đến viện, gia đình Thảo mới biết những trường hợp như của Thảo không phải là trường hợp đặc biệt.

 

Theo giải thích của các bác sỹ tâm thần thì, đối với những trường hợp này, sau khi đã mua sắm thỏa thuê, bệnh nhân cũng có cảm giác ăn năn, hối hận vì đã tiêu xài không hợp lý. Nhưng đến hôm sau, khi đứng trước cửa hàng thì những ý nghĩ này biến mất, và họ lại tiếp tục lao vào những cuộc mua sắm. Do vậy, khi thấy bệnh nhân có những dấu hiệu bất thường thì cần phải được đưa đi kiểm tra ngay để tránh những tổn thất không đáng có.

 

Theo Vũ Lụa

Vietnamnet