DMagazine

Cuộc chiến với thần chết bên trong khoa hồi sức

(Dân trí) - Bệnh nhân Khoa Hồi sức tích cực diễn biến liên tục. Các chỉ số sinh tồn phút trước ở ngưỡng an toàn, phút sau đã báo động. Bác sĩ kiểm soát, bệnh nhân diễn biến, họ lại tiếp tục tìm cách đảo ngược.

Bệnh nhân Khoa Hồi sức tích cực diễn biến liên tục. Các chỉ số sinh tồn phút trước ở ngưỡng an toàn, phút sau đã báo động. Bác sĩ kiểm soát, bệnh nhân diễn biến, họ lại tiếp tục tìm cách đảo ngược.

Cuộc chiến với thần chết bên trong khoa hồi sức - 1

Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Giải Phóng, 7h30, không gian lấp đầy bởi tiếng bíp liên hồi trên những chiếc máy monitor, bước chân cấp tập và những cuộc thảo luận của các y bác sĩ.

"Cho thêm thuốc giãn cơ dạng uống và dừng an thần cho bệnh nhân bị uốn ván giường số 7", BS Phạm Văn Phúc - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trao đổi với một điều dưỡng.

Vị bác sĩ giải thích thêm rằng, sau 3 tuần thở máy, bệnh nhân thoát nguy kịch nhưng đang xuất hiện tình trạng sảng khi cai máy thở, dừng an thần. Đây là lúc phải nhanh chóng thay đổi phương án điều trị.

Bệnh nhân ở giường số 3 bất ngờ có dấu hiệu kích thích, biểu đồ máy thở cảnh báo tình trạng mất đồng bộ. BS Phúc lập tức tiếp cận, điều chỉnh lại thông số máy thở.

"Với bệnh nhân hôn mê việc thở máy đã có quy trình và phác đồ sẵn. Tuy nhiên, lúc bệnh nhân tỉnh lại, vì đã cắt thuốc an thần sẽ phát sinh các vấn đề về tương tác giữa bệnh nhân và máy thở nên sẽ có hiện tượng chống máy.

Sáng nay bệnh nhân này đã tỉnh hơn, thông số thiết lập hôm trước đã không còn phù hợp nên chúng tôi phải điều chỉnh để có sự đồng bộ giữa bệnh nhân và máy thở", BS Phúc giải thích.

Cuộc chiến với thần chết bên trong khoa hồi sức - 3

"Huyết áp bệnh nhân giảm nhanh", thông báo từ phòng bệnh phía xa kéo theo những bước chân vội của các y bác sĩ.

Trên giường bệnh, người đàn ông da vàng như nghệ vì xơ gan, huyết áp giảm chỉ còn 85/39 mê man dần mặc cho sự lay gọi của nữ điều dưỡng.

"Bệnh nhân mất máu tối cấp, huyết áp tụt, mạch nhanh, đồng tử giãn", chẩn đoán được đưa ra ngay lập tức kích hoạt "cuộc đua máu".

Trong lúc BS Phúc tìm tĩnh mạch cảnh để truyền máu với sự hỗ trợ của máy siêu âm, các điều dưỡng nhanh chóng làm tương hợp và các bước để sẵn sàng truyền 2 đơn vị máu vừa được huy động.

Thách thức nảy sinh khi bệnh nhân mất máu nhanh dẫn đến động mạch cảnh bị xẹp, khiến việc lấy đường truyền máu khó hơn rất nhiều.

"Chuyển phương án truyền máu qua tĩnh mạch đùi", phương án B được BS Phúc đưa ra sau khi việc đưa đường truyền vào tĩnh mạch cảnh trở nên bất khả thi.

Máu vẫn tiếp tục chảy không ngừng qua đường dẫn lưu ổ bụng kéo huyết áp bệnh nhân hạ thấp xuống khiến cuộc đua căng như dây đàn.

2 phút sau đường truyền tĩnh mạch chân được thiết lập thành công, máu được chỉ định "xả" với tốc độ tối đa. 99/49; 110/55… chỉ số huyết áp tăng dần kéo theo cơ hội sống cho người đàn ông vừa bước đi trên lằn ranh sinh tử.

Vừa đóng mũi chỉ đường truyền tĩnh mạch cảnh, tín hiệu cảnh báo của máy monitor lại vang lên từ phía xa một lần nữa kéo căng nhịp độ trong Khoa Hồi sức tích cực.

Cuộc chiến với thần chết bên trong khoa hồi sức - 5

Cuộc gọi từ Bệnh viện 354 báo về một bệnh nhân là người phụ nữ 50 tuổi bị hôn mê nghi do viêm não đang được chuyển đến.

Ngay khi nhận thông tin, "báo động đỏ" tại Khoa Hồi sức tích cực được kích hoạt, sẵn sàng cho một cuộc chiến mới.

"Chuẩn bị mở nội khí quản đặt ống thở máy xâm nhập cho bệnh nhân ngay", BS Phúc chỉ định ngay khi vừa xác định được người phụ nữ này đã hôn mê sâu, không kiểm soát được nhịp thở.

Kết quả kiểm tra đáy mắt, đánh giá ý thức và phim chụp cho thấy bệnh nhân có tình trạng phù não, đe dọa trực tiếp đến tính mạng.

"Nữ bệnh nhân có tình trạng viêm não tối cấp, phù não rất nhanh. Do đó, song song với điều trị nguyên nhân, chúng tôi phải xử lý chống phù não thật tốt để giữ tính mạng bệnh nhân, cũng như hạn chế tối đa những di chứng để lại sau này.

Chống phù não đòi hỏi phải can thiệp rất nhiều yếu tố. Bên cạnh thuốc chống phù não, còn phải điều chỉnh cả thông khí hay thậm chí là tư thế của bệnh nhân", BS Phúc phân tích.

Các bệnh nhân tại đây, theo BS Phúc mô tả, có thể diễn biến nặng và tử vong bất cứ lúc nào.

Cuộc chiến với thần chết bên trong khoa hồi sức - 7

"Bệnh nhân khi đến với chúng tôi thường chỉ còn ít hơn 5 phần sống", BS Phúc chia sẻ, giải thích rằng, bệnh nhân khi đã phải chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực có SOFA (Thang điểm để đánh giá tình trạng nhiễm trùng huyết, cũng như mức độ suy cơ quan và tiên lượng tử vong) trên 5-6 điểm, tức là nguy cơ tử vong khoảng 50% trở lên.

Do đó, công tác điều trị của các y bác sĩ ở đây là một cuộc đua đúng nghĩa, khi mà những y lệnh liên quan đến tính mạng bệnh nhân đôi khi phải được quyết định trong thời gian tính bằng giây.

Có những can thiệp cần thực hiện rất nhanh để giải quyết tình trạng cấp tính cho bệnh nhân. Đặc biệt với những bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, phù não, viêm gan cấp.

Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Giải Phóng hiện đang điều trị cho 18 bệnh nhân, trong đó có đến 8 ca phải thở máy, các mặt bệnh đa dạng như: nhiễm trùng huyết, viêm phổi, uốn ván, viêm gan cấp, suy gan, viêm não…

Từ phòng điều hành ở trung tâm khoa có thể quan sát toàn bộ 7 phòng bệnh nhờ các vách kính lớn. Thiết kế "xuyên thấu" đặc trưng của Khoa Hồi sức tích cực đảm bảo cho các y bác sĩ có thể liên tục theo dõi tình trạng của các bệnh nhân từ xa và phát hiện vấn đề ngay khi đèn cảnh báo đỏ trên monitor chớp nháy.

Cách giường bệnh của người phụ nữ bị viêm não chỉ 2 bước chân là người đàn ông 86 tuổi vừa được các y bác sĩ đưa về từ cõi chết, khi bệnh nhân buổi sáng đang tỉnh táo đến chiều bất ngờ hôn mê rồi ngừng tim.

"Phát hiện chỉ số SpO2 của bệnh nhân bất ngờ giảm xuống 84%, chúng tôi đã ngay lập tức điều chỉnh thông số máy thở nhưng rồi bệnh nhân vẫn đi vào hôn mê. Nhiệm vụ lúc này là phải nhanh chóng tìm ra căn nguyên để có thể đảo ngược tình trạng", BS Phúc phân tích.

Cuộc chiến với thần chết bên trong khoa hồi sức - 9

2 y bác sĩ nhận nhiệm vụ di chuyển giường bệnh nhân đến phòng chụp CT, trong lúc đó BS Phúc cùng các đồng nghiệp kiểm tra lại các bản cập nhật tình trạng sức khỏe của bệnh nhân trước đó, cũng như các loại thuốc đã được sử dụng, để truy tìm căn nguyên khiến người đàn ông này bất ngờ hôn mê.

Tình hình lại tiếp tục chuyển biến xấu khi gần 2 giờ sau, tín hiệu báo động lại một lần nữa vang lên.

Bệnh nhân mất sóng mạch, sóng SpO2, mạch yếu dần và sau đó ngừng hẳn. Các bác sĩ ngay lập tức kích hoạt cấp cứu ngưng tim. Liên tiếp các y lệnh được thực hiện, để phục vụ cho cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp: thiết lập máy điện tim, chuẩn bị adrenaline (thuốc trợ tim), dịch truyền, dụng cụ y tế.

Ngay sau khi điện cực của máy điện tim được kết nối lên cơ thể bệnh nhân, 3 bác sĩ thay phiên nhau ép tim 100 - 120 nhịp/phút để giành giật lại sự sống cho người đàn ông này.

Sau gần 5 phút ép tim, chỉ số nhịp tim trên màn hình tăng dần. Chỉ trong chưa đến nửa giờ đồng hồ, người đàn ông tưởng chừng đã đi trọn một vòng sinh tử.

Cứu được bệnh nhân rơi vào nguy kịch rất khó nhưng giữ được thành quả này cũng là một nhiệm vụ gian nan không kém.

Cuộc chiến với thần chết bên trong khoa hồi sức - 11

Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực nhấn mạnh rằng, 48 giờ đầu kể từ khi bệnh nhân phải vào hồi sức là giai đoạn đặc biệt nguy hiểm. Người bệnh lúc này như đi trên một lằn ranh sinh - tử rất mỏng manh và có thể "sảy chân" bất kỳ lúc nào.

Nhiệm vụ của các bác sĩ là bám sát diễn biến của bệnh nhân theo từng phút một để có phương án can thiệp kịp thời.

Dẫn chứng trường hợp bệnh nhân xơ gan vừa được can thiệp truyền máu, BS Phúc chỉ rõ trước mắt ông sẽ phải đối mặt với nguy cơ tình trạng nhiễm trùng, hội chứng gan thận tăng lên và hôn mê gan trở lại. Nguy hiểm nhất là nếu bệnh nhân bị chảy máu trở lại sẽ rất khó để cứu chữa.

Với bệnh nhân được cấp cứu ngừng tuần hoàn, chặng đường tiếp theo của các bác sĩ sẽ khó khăn hơn rất nhiều, khi việc bị ngừng tim không khác gì một "cơn bão" ập đến sinh mệnh vốn đã rất mong manh của bệnh nhân.

"Bệnh nhân diễn biến liên tục. Các chỉ số sinh tồn vừa phút trước ở ngưỡng an toàn, phút sau đã có thể lên mức báo động. Chúng tôi kiểm soát, bệnh nhân diễn biến, chúng tôi lại tiếp tục tìm cách để đảo ngược tình trạng. Đó chính là công việc của các y bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực", BS Phúc phân tích.

Cuộc chiến với thần chết bên trong khoa hồi sức - 13

Trong phòng điều hành Khoa Hồi sức tích cực, người phụ nữ trẻ nét mặt lộ rõ niềm vui, dòng lệ chực trào ra 2 khóe mắt, khi được bác sĩ thông báo bố cô đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm nhất, trong ngày hôm nay có thể được chuyển xuống Khoa Ngoại tiếp tục điều trị vết thương.

Cách đây 2 tuần, nam bệnh nhân này được đưa vào Khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn trên nền xơ gan, với điểm SOFA trên 14 điểm, tức là nguy cơ tử vong lên đến 90%.

Nhận thông tin, người nhà bệnh nhân ngã quỵ. Dù cụ ông chỉ còn 10% cơ hội sống, gia đình vẫn quyết định đặt trọn niềm tin vào các y bác sĩ.

"Bệnh nhân có bệnh nền xơ gan mất bù, vô tình bị vây cá rô đâm vào chân dẫn đến nhiễm trùng toàn thân. Thời điểm nhập viện hy vọng sống của bệnh nhân rất mong manh.

Điều duy nhất chúng tôi có thể hứa với người nhà của ông là sẽ làm hết sức có thể", BS Phúc nhớ lại.

Cuộc chiến với thần chết bên trong khoa hồi sức - 15

Xuyên suốt 2 tuần điều trị, bệnh nhân được theo dõi 24/24h, tín hiệu cảnh báo từ máy monitor liên tục thách thức những nỗ lực kiểm soát chỉ số sinh tồn của các bác sĩ.

BS Phúc chia sẻ: "Bệnh nhân sốc nhiễm trùng rất nhiều biến động, nhiệm vụ của chúng tôi là phải đưa các chỉ số của bệnh nhân thoát ngưỡng báo động càng nhanh càng tốt khi có diễn biến.

Để đạt được mục tiêu này là hàng loạt các điều chỉnh về thuốc kháng sinh, máy thở, lọc máu…"

Mỗi một chỉ số được đưa về ngưỡng an toàn, theo mô tả của chuyên gia này, là thêm một bước tiến trong hành trình cứu sống bệnh nhân.

Sau 2 tuần liền nhích dần từng bước như vậy, các bác sĩ đã đưa bệnh nhân lách qua khe cửa hẹp.

Ở Khoa Hồi sức tích cực, những kỳ tích như vậy vẫn đang hàng ngày được tạo nên, từ những bước chân không ngừng nghỉ của những người canh gác chốt chặn cuối cùng giữ sinh mệnh người bệnh.

Nội dung: Minh Nhật

Ảnh: Mạnh Quân

Thiết kế: Đỗ Diệp