Cúm gia cầm có nguy cơ thành đại dịch cúm trên người

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, cúm gia cầm hiện đã lây lan trên toàn thế giới, nhiền nhất là ở Châu Á như Indonesia, TQ, Việt Nam… Trong số 385 trường hợp người nhiễm vi rút cúm A/H5N1 thì có đến 243 trường hợp đã tử vong.

Thông tin này được đưa ra trong chương trình báo cáo chuyên đề dành cho các phóng viên báo, đài về: “Cúm gia cầm có thể trở thành đại dịch cúm ở người” của Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM (ngày 8 và 9/9).

 

Ông Dan Rutz, TT Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), cho biết: “Việt Nam là một trong 61 nước có bùng phát dịch cúm gia cầm và cúm ở người với tỷ lệ mắc cao. Đã có 106 người Việt mắc bệnh cúm gia cầm (H5N1), trong đó đã có 52 người tử vong, tỷ lệ tử vong lên đến gần 50%, do đó VN cần có kế hoạch chuẩn bị nhằm giải quyết vấn đề dịch cúm gia cầm, khi nó trở thành đại dịch”.

 

Theo TS Trần Công Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm VN, từ tháng 12/2003 đến nay, VN đã trải qua 6 đợt dịch cúm gia cầm với hơn 50 triệu con gia cầm bị chết hoặc phải tiêu hủy, thiệt hại khoảng 5.000 tỷ đồng… Vậy nhưng dịch vẫn tiếp tục tái phát vì nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm túc các quy định và hướng dẫn việc phòng chống dịch cúm gia cầm.

 

Đặc biệt, mầm bệnh vẫn còn trong môi trường, nhất là trên đàn thuỷ cầm cùng những đàn chim hoang di trú. Vi rút cúm A hiện nay đã mang mầm độc lực cao và chính những sự thay đổi đột biến này khiến kháng thể trên người không còn đủ sức bảo vệ người nữa. Vì thế, khả năng tử vong ở người do cúm A (H5N1) là rất cao.

 

Chính TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế  dự phòng và môi trường cũng lên tiếng báo động: “Dịch cúm gia cầm ở người tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm. Do đó,cần giới hạn sự truyền nhiễm ở động vật, ngăn không cho lây nhiễm qua người”.

 

Cụ thể, tránh tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm như làm gà, đá gà, gà bệnh, bệnh nhân H5N1, nhân viên y tế cần trang bị đầy đủ trang phục bảo vệ cá nhân. Chủ trang trại cần tiến hành tiêm phòng vắc xin cho đàn gia cầm đúng và đủ. Đây là biện pháp quan trọng để hạn chế dịch tái phát và lây lan.

 

Ngọc Thanh