Con trẻ đang bị “cưỡng bức” phát triển cả thể xác lẫn trí tuệ

(Dân trí) - Ép con phải học, phải ăn để thông minh và phổng phao như con nhà khác đang là xu hướng chung của đa số phụ huynh hiện nay. Sự “cưỡng bức” cả thân xác lẫn trí tuệ khiến nhiều trẻ bị tác dụng ngược.

Béo phì vì được chăm sóc dinh dưỡng “thái quá”

Mới 8 tuổi, nhưng bé N.T.P (ngụ tại quận Phú Nhuận, TPHCM) đã nặng gần 50kg. Nhiều tháng được gia đình đưa đến thăm khám và áp dụng các biện pháp hỗ trợ giảm cân tại Trung tâm Dinh dưỡng thành phố nhưng sự gia tăng trọng lượng của cháu vẫn chưa thể kìm lại.

Trẻ cần được chăm sóc dinh dưỡng, vận động hợp lý, học tập khoa học
Trẻ cần được chăm sóc dinh dưỡng, vận động hợp lý, học tập khoa học

Lo lắng trước sức ăn không ngừng nghỉ và cơ thể béo đến quá cỡ của đứa con gái, chị Trần Thị B. chỉ biết tự trách mình. “Trước đây, mỗi bữa tôi đều cố gắng cho con ăn càng nhiều càng tốt, nhưng bây giờ muốn hạn chế cũng không được. Con bé gần như ăn không biết mệt, cơ thể càng ngày càng phì ra. Tôi đang cố gắng theo bác sĩ để hạn chế cân nặng cho con, nhưng khó quá.”

Khi số trẻ bị suy dinh dưỡng, thấp còi ngày càng giảm thì trẻ bị béo phì do sự chăm sóc dinh dưỡng một cách thái quá của các bậc phụ huynh đang làm hại chính con em họ. Kết quả thống kê được BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng thông tin chỉ ra, tính đến hết năm 2015 số trẻ bị thừa cân, béo phì trên địa bàn thành phố đã lên tới 41,9% (trong đó có 19% trẻ bị béo phì). Hầu hết trẻ béo phì đều bị tăng huyết áp.

Béo phì đang là tình trạng chung của các quốc gia
Béo phì đang là tình trạng chung của các quốc gia

Tại hội thảo về vấn đề dinh dưỡng vừa diễn ra ở TPHCM, TS.BS. Russell James Merritt, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ dinh dưỡng và phục hồi tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Los Angeles, California (Mỹ) cho hay: Không chỉ ở Việt Nam, trẻ bị thừa cân, béo phì đang là tình trạng chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Thừa cân là nguyên nhân của nhiều yếu tố như di truyền, chế độ dinh dưỡng, cách cho ăn chưa đúng, ít vận động hoặc một số yếu tố xảy ra trong quá trình mang thai.

TS.BS. Russell James Merritt khuyến cáo: Thừa hay thiếu cân đều thể hiện mô hình tăng trưởng không khỏe mạnh. Cha mẹ cần nhận thức được tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng khoa học, đặc biệt là trong giai đoạn phôi thai và giai đoạn đầu đời của trẻ. Phụ huynh cần sớm có biện pháp can thiệp để hỗ trợ trẻ giảm tỷ lệ mắc bệnh liên quan đến dinh dưỡng ngắn hạn cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển và tăng trưởng dài hạn.

“Cưỡng bức” con trẻ phải… thông minh

Không chỉ bị nhồi nhét về dinh dưỡng, trẻ em ngày nay đang bị ép phải thông minh theo chủ kiến của cha mẹ. Trao đổi với phóng viên, PGS.TS.BS Vũ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục tiềm năng Con người cho hay: Hiện nay, các bậc phụ huynh đang bước vào những cuộc đua vô cùng khốc liệt… đua luyện trí thông minh cho con.

Mỗi đứa đứa trẻ sẽ có xu hướng phát triển trí thông minh khác nhau, cha mẹ cần biết để định hướng hợp lý
Mỗi đứa đứa trẻ sẽ có xu hướng phát triển trí thông minh khác nhau, cha mẹ cần biết để định hướng hợp lý

“Hễ thấy con nhà bà A giỏi toán thì nhà ông B cũng ép con mình phải giỏi toán, thấy con nhà khác giỏi văn thì con mình cũng phải giỏi văn. Trẻ em bị chính cha mẹ mình ép phải luyện trí thông minh từ lúc lên 3, rồi khi cắp sách đến trường thì cắm đầu vào học chính, học thêm đến không có giờ nghỉ ngơi, thư giãn. Đây là cách giáo dục máy móc, thiếu khoa học hay nói đúng hơn là giáo dục theo kiểu cưỡng bức con trẻ của các bậc cha mẹ.” PGS Kỳ Anh cho hay.

Phân tích của PGS Kỳ Anh chỉ ra: “Mỗi đứa trẻ có một trí thông minh khác nhau, có khả năng và điểm mạnh, điểm yếu riêng. Trẻ sinh ra không chỉ có một mà có thể sở hữu nhiều loại hình trí thông minh khác nhau gồm: trí thông minh ngôn ngữ, logic-toán học, không gian-thị giác, âm nhạc-nhịp điệu-tiết tấu, vận động cơ thể, tương tác-xã hội, nhận thức bản thân và trí thông minh tự nhiên.”

Đừng bắt ép con trẻ phải học đêm học ngày
Đừng bắt ép con trẻ phải học đêm học ngày

Xu hướng phát triển trí thông minh của trẻ thường biểu hiện qua các hành động đơn giản khi vui chơi, định vị không gian, độ nhạy cảm âm nhạc, giao tiếp… Để nhận biết được xu hướng phát triển trí tuệ ở trẻ, các bậc cha mẹ nên dành thời gian chăm sóc, gần gũi con và quan trọng hơn là phải có sự hiểu biết nhất định để định hướng, giúp trẻ phát triển phù hợp với tố chất của mình.

Nhưng theo đánh giá của PGS Kỳ Anh, điều đáng tiếc hiện nay, sự nhận thức của các bậc cha mẹ và hệ thống giáo dục Việt Nam chỉ tập trung chủ yếu vào khả năng ngôn ngữ và toán học. Phương pháp giáo dục này đang trở nên lạc hậu trước xu hướng giáo dục mở của thế giới. Mặt khác, khi bị ép buộc phải phát triển theo hướng không phù hợp với khả năng của mình, trẻ sẽ bị ức chế, nguy cơ đối mặt với khủng hoảng tâm lý, trầm cảm.

Vân Sơn