Con đau đầu vì u não, mẹ lại tưởng… lười học

(Dân trí) - “Khi thấy con có biểu hiện bệnh tôi nghĩ cháu bị cảm cúm thông thường thôi, cũng có thể con kiếm cớ biếng học. Nhưng, sau đó cường độ bệnh ngày một tăng, tôi đưa con ra viện Nhi TƯ khám bác sĩ phát hiện cháu bị u não”, chị Hương (Nghệ An) cho biết.

Con đau đầu vì u não, mẹ lại tưởng… lười học      - 1

Hay ngủ gật trong giờ học, kết quả học tập sa sút... bé Dương bị nghi ngờ mắc bệnh lười học. Hiện, cháu đang được điều trị tại viện Nhi TƯ (Ảnh: Thu Hà)
 
 
Cháu Hoàng Dương (10 tuổi, Nghệ An) đau đầu liên tiếp trong 2 tuần với cường độ ngày một tăng, kèm theo nôn ói vào buổi sáng, bước đi chệnh choạng, mắt nhìn kém, hay ngủ gật trong giờ học. Ban đầu, mẹ cháu Dương nghĩ do con lười học nên bệnh ít suýt ra nhiều, sau khi đi khám mới biết con bị u não (một dạng ung thư não).

Chị Nguyễn Thị Hương – mẹ cháu Dương cho biết: “Khi thấy con có hiện tượng trên tôi nghĩ cháu bị cảm cúm thông thường, có thể con đang kiếm cớ biếng học nên chỉ cho uống cảm xuyên hương. 3 tuần sau, biểu hiện bệnh của cháu tăng lên rõ rệt. Tôi đưa con đi khám ở bệnh viện huyện thì không phát hiện ra. Vài tuần sau cháu lại nặng hơn, tôi đưa cháu ra viện Nhi TƯ khám các bác sĩ phát hiện cháu bị u não. Do tôi chủ quan, không đưa con đi khám ngay để phát hiện sớm, giờ khối u đã to rồi chỉ còn biết trông cậy vào các bác sĩ!”.

Trao đổi với Dân trí, BS Trần Văn Học – Phó trưởng khoa Thần kinh, viện Nhi TƯ cho biết: “Đặc điểm của u não là phát triển rất nhanh. Kể từ khi xuất hiện triệu chứng nếu bệnh nhi không được can thiệp kịp thời thì trong vòng 6 đến 12 tháng sẽ dẫn đến tử vong. Đa phần các bệnh nhi nhập viện muộn (khi khối u đã to) nên việc phẫu thuật lấy hết khối u rất khó khăn. Bên cạnh đó, cha mẹ lại không chú ý và cơ sở y tế tuyến dưới không đủ phương tiện để phát hiện bệnh, dẫn đến tỷ lệ trẻ được điều trị khỏi u não ở nước ta còn thấp”.

“Đến nay, khoa học chưa xác định rõ nguyên nhân gây bệnh. Có thể do ảnh hưởng tia bức xạ, bệnh đa u sợi thần kinh, bệnh xơ cũ, các hợp chất N- nitrosamin…”, BS Học nói.

Trong các bệnh ung thư thường gặp ở trẻ có 2 loại ung thư gây tử vong cao nhất là “ung thư máu và u não”. Trong đó, u não đứng thứ hai (sau ung thư máu) và số bé trai mắc bệnh nhiều hơn bé gái. Tại viện Nhi TƯ, bệnh này chiếm trên 10% các ca ung thư.

Cũng theo bác sĩ Học: “Việc điều trị chủ yếu là phẫu thuật cắt bỏ khối u, tiếp theo làm xét nghiệm giải phẫu bệnh đễ biết rõ bản chất, nguồn gốc bệnh. Nếu u lành tính, trẻ chỉ cần được theo dõi thêm một thời gian sau mổ”.

Qua trường hợp của cháu Dương, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần chú ý khi trẻ có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, bước đi lúc nhanh lúc chậm, loạng choạng. Trẻ có thể nhìn không rõ, hay cáu bẳn, chậm lớn hoặc không tăng cân nặng, chiều cao. Nếu trẻ ở tuổi đến trường thì chất lượng học tập sa sút. Khi mắc bệnh này nhiều trẻ cũng bị biến dạng lời nói, dẫn đến trẻ nói ngọng, nói lắp. Ngoài ra, trẻ còn có biểu hiện mệt mỏi, hay ngủ gật. “Nhiều bậc cha mẹ do không biết trẻ mắc bệnh lại cho rằng trẻ mải chơi nên mới dẫn đến kết quả học tập sút kém”, bác sĩ Học nhận định.

U não là loại bệnh nguy hiểm, dẫn đến tử vong cao. Việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời có hiệu quả lớn trong việc điều trị. Vì vậy, khi thấy trẻ có các biểu hiện trên cha mẹ cần đưa con đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa.

Thu Hà