Có thể EV 71 đã biến đổi về độc lực?

(Dân trí) - PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đặt ra giả thiết: "Có thể enterovirus 71 đã biến đổi thành những týp sinh học độc lực cao hơn nên đã gây tử vong cho 26 trẻ em Trung Quốc".

Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, đó chỉ là giả thiết và để khẳng định điều đó cần phải có nhiều nghiên cứu rõ ràng, và chỉ có thể do Bộ Y tế Trung Quốc tuyên bố.

EV71 chưa gây hậu quả nặng tại Việt Nam

Tại Việt Nam, tuy chưa có thống kê cụ thể, nhưng tỷ lệ tử vong do bệnh Tay - chân - miệng tại Việt Nam là rất thấp. Theo ông Hiển, việc nhiều trẻ ở Trung Quốc bị tử vong do vi rút này có thể là do vi rút EV 71 đã có sự biến đổi về độc lực? Nếu thực sự có sự biến đổi này, nguy cơ lây lan dịch bệnh sang các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam là rất nguy hiểm.

Ông Hiển cho biết thêm, vi rút EV 71 gây bệnh tay - chân - miệng không phải là loại vi rút mới. Nó đã từng xuất hiện tại nhiều nước trên thế giới cách đây hàng vài thập kỷ. Tại Việt Nam, EV 71 cũng đã lưu hành và gây bệnh tay – chân - miệng ở trẻ em chủ yếu ở khu vực phía Nam.

Cũng cần khẳng định, đây chỉ là một trong nhiều loại vi rút đường ruột gây nên bệnh tay – chân - miệng. Tại nước ta, bệnh chủ yếu do hai loại vi rút là vi rút Cocsackie vi-rút và EV 71 gây nên.

Chăm sóc tốt giảm biến chứng

Ông Hiển cho biết, cũng như nhiều loại bệnh do vi rút khác, đến nay, vẫn chưa có thuốc kháng vi rút đặc hiệu điều trị bệnh. Chủ yếu là các biện pháp điều trị triệu chứng để hạ sốt, giảm đau do các vết loét gây nên và điều trị các biến chứng nếu có. Tuy nhiên, việc điều trị, chăm sóc tốt sẽ giúp bệnh nhân giảm được các nguy cơ bị biến chứng.

Biến chứng hay gặp của căn bệnh tay - chân - miệng do vi rút EV 71 gây ra là nhiễm trùng da, viêm màng não, viêm não… Để giảm nguy cơ nhiễm trùng da cần phải vệ sinh thân thể cho trẻ, không nghe theo các quan niệm dân gian là đắp lá, ủ kỹ vì sợ gió, nắng, chọc vỡ các nốt bọng nước, không lau rửa cho trẻ. Vì các bọng nước này cũng gần giống như các vết thuỷ đậu, nếu không vệ sinh sạch sẽ, vi khuẩn sẽ có cơ hội thâm nhập vào cơ thể qua các nốt trợt và gây biến chứng.

Cần phải cho trẻ súc miệng mỗi ngày, chăm sóc da bằng cách tắm nước ấm. Tuy nhiên cần lưu ý, dùng khăn mềm lau rửa nhẹ nhàng, tránh làm vỡ bóng nước hay trầy xước da, thay quần áo sạch hàng ngày. Cắt ngắn móng tay để giảm tổn thương da do gãi ngứa.

Cho ăn uống đầy đủ dưỡng chất và nhu cầu, cho trẻ uống nhiều nước như nước sôi để nguội, nước trái cây, nước canh, nước cháo…Khi trẻ có những dấu hiệu bệnh nặng hơn như sốt cao, rối loạn tri giác, co giật, bóng nước có mủ, máu cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế.

Bệnh rất dễ lây truyền qua đường phân, ăn uống, vì thế cần cách ly bệnh nhân, trẻ bị bệnh trong vài ngày đầu mắc bệnh. Hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp, sử dụng chung các dụng cụ với trẻ bị bệnh hoặc người bệnh và áp dụng một số biện pháp hạn chế bệnh lây truyền theo đường phân, miệng khác như ăn chín, uống sôi, hợp vệ sinh. Vệ sinh cá nhân sạch sẽ sau khi có tiếp xúc với người bệnh.

Hồng Hải