Chuyện quanh viên thuốc tránh thai

Cũng giống như viên thuốc tránh thai khẩn cấp, thuốc tránh thai hằng ngày cũng không thể chiều lòng tất cả mọi người. Hơn thế, đây chỉ là phương tiện nên phụ thuộc rất nhiều vào người sử dụng.

Mua thuốc như mua kẹo!

 

Ở Việt Nam, thuốc này vẫn thuộc dạng kê toa nhưng người ta bán công khai, mua dễ như… mua kẹo. Có ý kiến cho rằng ngành chức năng “ngấm ngầm” làm thế để kiểm soát dân số. Không biết thực hư ra sao, nhưng chỉ biết giới trẻ truyền tai nhau sử dụng, “tam sao thất bổn” rôi dẫn đến những hậu quả không lường hết. Đã có trường hợp sử dụng thuốc khẩn cấp nhưng vẫn có thai rồi phải đi giải quyết, trường hợp khác thì dùng “quá hớp” đến nỗi rối loạn nội tiết tố, tốn biết bao tiền bạc mới điều chỉnh trở lại.

 

Bác sĩ Dương Phương Mai, trưởng khoa kế hoạch hoá gia đình Bệnh viện Từ Dũ TPHCM, khuyến cáo đây chỉ là phương tiện "chữa cháy" khi quan hệ tình dục không bảo vệ, dùng quá 4 lần một tháng sẽ có thể gặp nhiều tác dụng phụ. Vì thế chớ vì sự tiện lợi và tác dụng “trên cả tuyệt vời” (hiệu quả đến 72 giờ sau khi quan hệ mà không cần sử dụng thêm bất cứ biện pháp tránh thai nào khác) mà cầu cứu đến thuốc ngừa thai khẩn cấp thường xuyên.

 

Đâu chỉ ở Việt Nam, ở một nước phát triển như Úc, việc sử dụng Postinor-2 cũng làm nhiều người lo lắng. Kể từ ngày 1.1.2004, khi thuốc bán rộng rãi không cần toa bác sĩ, mức tiêu thụ của sản phẩm này tăng chóng mặt, nhưng đến nay chưa ai đo lường được hậu quả của thuốc trong việc gia tăng những bệnh lây lan qua đường tình dục và tình trạng quan hệ tình dục bừa bãi, đặc biệt ở trẻ em… dưới 15 tuổi. Vì thế có ý kiến đề nghị nhà thuốc đòi hỏi khách hàng mua thuốc phải điền mẫu đơn thật chi tiết để chứng minh có nhu cầu thiết thực và giúp dược sĩ hướng dẫn người tiêu dùng một cách an toàn, hiệu quả.

 

Ở nước ta, nếu làm chuyện này chắc hơi “bị” khó vì người bán chẳng hề tư vấn gì cho người mua, chỉ mong bán được thuốc; còn người mua cũng chẳng chi cao xa, giải quyết chuyện trước mắt là xong.

 

Vô số chuyện tréo ngoe

 

Ở nhà thuốc nọ, tôi nghe một người hỏi Postinor-2 và thắc mắc mình bị bệnh gan không biết có dùng được không. Người bán trả lời vô tư: “Không sao, thuốc ngoại mà, người ta chế cho ai dùng cũng được” (!?) (Thực tế thuốc chống chỉ định cho người bệnh gan – PV). Ở nhà thuốc khác, tôi vô tình gặp một nữ sinh, mặc áo dài với phù hiệu trường học hẳn hoi, chìa mẫu giấy xin mua 1 viên Postinor-2. Người bán nói phải uống đúng liều 2 viên mới có hiệu quả, cô bé cãi lại: “Bạn em dùng rồi, nói 1 viên là đủ” (dùng 2 viên mới hiệu quả - PV).

 

Câu chuyện thuốc ngừa thai khẩn cấp không khác gì những thuốc dạng que cấy dưới da, thuốc chích hay thuốc diệt tinh trùng. Từ vài ba năm gần đây, để phụ nữ Việt Nam có thêm nhiều chọn lựa các biện pháp tránh thai, Bộ Y tế chủ trương đa dạng hoá các sản phẩm. Tuy nhiên, dù với sản phẩm nào thì người sử dụng cũng cần biết thuốc không thể bảo vệ 100%, vì thế mới có chuyện “chích thuốc ngừa thai nhưng vẫn có thai”.

 

Vả lại, kỹ thuật càng hiện đại, tinh tế thì càng có thể sinh lắm phức tạp. Một nữ bác sĩ quen kể chuyện, mới đây mình “suýt chết” vì một “tai nạn” sau khi cấy que tránh thai cho khách hàng. Để cấy que vào dưới da, bác sĩ phải dùng một thiết bị cấy khá nhỏ. Hôm đó, sau khi thao tác, chị vô tình làm rớt thiết bị này mà không ngờ que cấy vẫn chưa được vào trong người khách hàng. Kết quả là 3 tháng sau, người này quay lại cho biết mình đã… có thai. Kiểm tra lại, người bác sĩ mới biết do lỗi của mình, may khách hàng thông cảm không làm khó dễ.

 

Tương tự, thuốc diệt tinh trùng tưởng chừng tinh tế, ít tác dụng phụ, nhưng áp dụng cũng phải cực kỳ chính xác mới hiệu quả. Chẳng hạn phải đặt viên thuốc vào sâu trong âm đạo trước mỗi lần quan hệ, khi đặt thuốc phải ở tư thế nằm, chờ đến khi viên thuốc tan hoàn toàn (8 - 10 phút) mới bắt đầu…

 

Theo Vân Hà

Sài Gòn tiếp thị