Chuyện ngồi “ôm” đường dây nóng cúm A/H1N1

Mỗi ngày cao điểm có tới 300 cuộc gọi, trong đó có đến một nửa số cuộc gọi chỉ để ... nháy máy! Điện thoại đáng ra 7 ngày mới xạc pin một lần thì nay ngày nào cũng xạc (thậm chí có ngày xạc hai lần).

Đã có không ít câu chuyện cười và cả những chuyện ức chế, khó chịu xảy ra. Cuộc sống riêng và công việc chuyên môn của những người trực đường dây nóng về cúm A/H1N1 ít nhiều bị ảnh hưởng.

 

Gọi đến đường dây nóng chỉ để xin làm quen

 

Chuyện ngồi “ôm” đường dây nóng cúm A/H1N1 - 1

Anh Nguyễn Đức Khoa

Anh Nguyễn Đức Khoa, công tác tại Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) cho biết: “Từ khi bắt đấu hoạt động đến giờ, mỗi ngày cao điểm bình quân tôi nhận được gần 300 cuộc điện thoại. Còn ngày thường, ít nhất cũng phải hơn 100 cuộc và có đến 2/3 là của nam giới”.

 

Trong số đó, một nửa là … nháy máy chỉ để kiểm tra xem đường dây nóng có hoạt động hay không (?!). Một nửa còn lại thuộc về các mục đích: hỏi thông tin về dịch cúm, xin tư vấn, thông báo trường hợp nghi ngờ, hoặc... hiến kế phòng chống dịch, thậm chí xin được làm quen với bác sĩ.

 

Anh kể: “Có bác nông dân nuôi lợn gọi đến để thắc mắc tại sao lại gọi là cúm lợn, vì gọi thế ảnh hưởng đến công việc chăn nuôi của người dân. Có người gọi đến “chất vấn”: Tại sao không đo nhiệt độ và ngăn họ lại, tại sao cứ để những người ở các nước khác có dịch về Việt Nam làm gì?”, vv …

 

Nhưng có những cuộc gọi vô cùng ngắn ngủi: “Alô! Xin cho hỏi đây có phải đường dây nóng của Bộ Y tế không? À, … vâng. Tôi chỉ hỏi thế để biết thôi”, rồi … cúp máy!

 

Anh Khoa cười: “Đó là chưa kể có người gọi đến xin được làm quen, hoặc nhắn tin thông báo có triệu chứng nghi ngờ cúm nhưng hiện đang ở trên … đỉnh núi, máy điện thoại lại hết tiền và chưa biết xử trí thế nào!”.

 

Cứ mỗi ngày có khoảng 20 tin nhắn gửi đến số điện thoại đường dây nóng. Trong đó có không ít người gửi tặng … bài hát. “Chắc họ biết những người trực đường dây nóng vất vả nên họ tìm cách giảm stress hộ”, anh Khoa hóm hỉnh.

 

Hôm nào dịch nóng thì đường dây nóng cũng … nóng theo. Độ nóng phụ thuộc tình hình dịch thế giới và trong nước, người dân cũng quan tâm đến những câu hỏi như: liệu nó có về Việt Nam không, về rồi thì phòng chống thế nào, vv …

 

1h sáng còn bị... nháy máy

 

Chị Nguyễn Thị Bích Thủy cũng là một trong những người trực đường dây nóng của Cục Y tế dự phòng và Môi trường vào mùa dịch cúm A/H1N1 này. So với anh Khoa, chị Thủy có những cái khổ “đặc thù” hơn.

 

Chị kể: “Mình là phụ nữ nên có cái bất lợi là bị trêu chọc rất nhiều, với những câu nói không thể tưởng tượng được. Nghe những câu nói bậy, nói tục là chuyện bình thường”.

 

Các cuộc điện thoại gọi đến theo kiểu nháy máy thường xuất hiện nhiều vào tầm tối, sau 7h trở đi và kéo dài đến nửa đêm, thậm chí gần về sáng vẫn có người gọi. “Người nào muốn hỏi nghiêm túc về dịch, họ không bao giờ hỏi tầm này mà thường khoảng 8h sáng”, chị nói.

 

Còn anh Khoa đã từng có những ngày không ăn không ngủ được chỉ vì chuyện này: “Có hôm đi làm về, tôi cứ cầm bát cơm lên là có điện thoại. Nghe xong, đặt điện thoại xuống và cầm bát cơm lên, lại có điện thoại. Tôi không thể vừa trả lời điện thoại vừa ăn cơm được”, anh nói.

 

“Hôm nào không bị nháy “sớm” nhất là 1h sáng. Bình thường phải 2h30 sáng mới thấy hết điện thoại. Sau đó, 5h sáng lại bắt đầu có người gọi. Một ngày chỉ có khoảng 2h đồng hồ là được yên mà thôi”, anh cho biết.

 

Đó là chưa kể đến chuyện có lần có người dân gọi điện đến thông báo có một hành khách đi Mexico về và đang ở Thái Nguyên. Cục Y tế dự phòng đã phải tức tốc yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thái Nguyên rà soát tất cả các bệnh viện, kiểm tra tất cả các nơi nghi ngờ nhưng cuối cùng vị khách trên vẫn … mất hút.

 

“Hóa ra, đó chỉ là những “hoang báo”, có thể đã thỏa mãn được nhu cầu nào đó của người dân, nhưng họ không ý thức được những vất vả và thiệt hại về kinh tế khi có những sự việc tương tự như trên xảy ra. Nếu truy ra được, người đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, anh Khoa thông tin.

 

Tuy nhiên, cái khó nhất là các số máy gọi đều là các số dùng một lần rồi bỏ, lại không đăng kí khi kích hoạt sim nên không ai có thể lần ra.

 

Anh Khoa nói: “Trong số các cuộc gọi đến, phần lớn là có thái độ lịch sự và cũng có một lượng không nhỏ những người chưa được lịch sự cho lắm. Một ngày điện thoại cứ liên tục réo từ sáng đến nửa đêm thì quả là điều không dễ chịu chút nào”.

 

Tuy vậy, cả anh Khoa, chị Thủy và những người khác đang đảm nhận trực đường dây nóng không bao giờ dám tỏ thái độ tức tối với những người gọi đến. “Chúng tôi đang làm công việc phục vụ cộng đồng, vì vậy không thể thể hiện một kiểu ứng xử giao tiếp như vậy. Cũng chỉ mong người dân hiểu và hợp tác với tinh thần xây dựng”, chị Thủy nói.

 

Công việc chuyên môn, cuộc sống riêng thay đổi

 

Anh Nguyễn Đức Khoa nói: “Vì các cuộc điện thoại dồn dập xuất hiện nên đầu óc bị phân tán và thời gian dành cho công việc chuyên môn của chúng tôi bị giảm đi khá nhiều. Đó là chưa kể tới những ức chế tâm lý trong suốt một ngày làm việc dài”.

 

Nhất là đối với phụ nữ có con nhỏ như chị Thủy, những ảnh hưởng, thay đổi thể hiện rõ ràng hơn.

 

“Hai hôm trực đường dây nóng, tôi đều phải chuyển ra ngủ riêng. Các con tôi ban đầu thấy mẹ đột ngột có nhiều điện thoại thì buồn cười. Sau hiểu rồi thì chúng thông cảm. Còn chồng tôi, anh ấy hiểu tính chất công việc nên vui vẻ giúp vợ hoàn thành trách nhiệm”, chị Thủy chia sẻ.

 

Để có thể đảm nhận được việc tư vấn như thế này, chị Thủy đã phải lấy tất cả các tài liệu liên quan đến dịch bệnh để về nhà đọc, dù chuyên môn của chị không thuộc về mảng này.

 

Chị làm vậy vì nghĩ rằng, muốn tư vấn được thì trước hết mình phải nắm rõ được vấn đề đã. Ngoài ra, chị Thuỷ cũng chuẩn bị tâm lý để “ứng phó” với những trường hợp khó chịu như đã nói ở trên.

 

“Làm công việc này rồi mình cũng hiểu thêm ra nhiều điều, rèn tính kiên trì, nhẫn nhịn”, chị tự động viên mình.

 

Theo Cẩm Quyên

VNN