Chữa bệnh nghẹt mũi

Mũi không chỉ là đường lưu thông không khí mà còn có thể lọc sạch, làm ấm và làm ẩm không khí. Do đó nếu hốc mũi bị tắc do viêm nhiễm, bệnh nhân phải thở bằng miệng, thì không khí hít vào sẽ không được lọc sạch, không được làm ấm và ẩm nên rất dễ gây viêm họng và viêm thanh quản, viêm khí phế quản và phổi.

Hơn nữa, mũi không thông sẽ ảnh hưởng tới giấc ngủ, nghỉ ngơi cũng như làm giảm hiệu suất làm việc.

 

Chọn thuốc nhỏ mũi thế nào?

 

Thuốc thường dùng chống nghẹt mũi là naphazolin nitrat 0,05%. Không nên dùng thuốc kéo dài 10 ngày. Nếu dùng thuốc quá lâu sẽ dẫn đến tình trạng lệ thuộc vào thuốc và gây nên bệnh viêm mũi do thuốc khó điều trị.

 

Đối với viêm mũi dị ứng, chỉ dùng thuốc co mạch khi đang lên cơn cấp có nghẹt mũi nhiều, mục đích giúp cho mũi thở thông và chống xuất tiết để bệnh nhân có thể xịt thuốc dạng corticoid vào mũi.

 

Nếu viêm mũi teo có vảy thối (gỉ mũi), có thể nhỏ mũi bằng Streptomycin 0,75% (không nên dùng lọ thuốc nhỏ quá 3 ngày).

 

Với viêm mũi khô và viêm mũi teo, tốt nhất nên nhỏ thuốc có chứa dầu như tinh dầu bạc hà, dầu parafin (để niêm mạc mũi được làm ẩm, tạo nên cảm giác dễ chịu và dễ xì vảy trong mũi ra, giảm bớt mùi hôi).

 

Tuyệt đối không dùng thuốc co mạch trong viêm mũi teo. Dùng kháng sinh tại chỗ kéo dài tại mũi sẽ gây sự kháng thuốc tại chỗ. Không nên dùng thuốc đã đổi màu hoặc đã bị kết tủa. Không nên dùng thuốc co mạch mũi cho người bị bệnh tim mạch, trẻ em dưới 7 tuổi.

 

Viêm mũi do thuốc là gì?

 

Là tình trạng viêm mũi do sử dụng thuốc nhỏ mũi trong thời gian kéo dài.

 

Vì thuốc làm giảm tính đàn hồi của mạch máu trong niêm mạc mũi, làm hư hệ thống màng nhầy-lông chuyển, nên đáp ứng của niêm mạc mũi đối với thuốc ngày càng giảm, tạo nên “bệnh viêm mũi do thuốc”, gây nghẹt mũi kéo dài.

 

Như vậy, sau mỗi lần nhỏ thuốc, thời gian dùng thuốc ngày càng ngắn lại, số lần nhỏ thuốc ngày càng tăng, gây nên một vòng luẩn quẩn tai hại. Do đó, thời gian nhỏ thuốc không nên quá 7 ngày.

 

PGS. TS. Nguyễn Thị Ngọc Dinh

Theo Tuổi Trẻ