Chính sách viện phí mới có bị tính quá cao?

(Dân trí) - Theo lãnh đạo bộ y tế, khoảng 28% dân số là những người có thu nhập khá trở lên sẽ bị ảnh hưởng bởi chính sách viện phí mới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến xung quanh dự thảo Nghị định này, đặc biệt là những tác động cụ thể đối với viện phí.

Ai được miễn, nộp viện phí?

Theo dự thảo nghị định, đối tượng được miễn nộp viện phí bao gồm: Trẻ em dưới 6 tuổi; Người bị bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, bệnh phong; người bị bệnh lao trong trường hợp khám, chữa bệnh lao;

Người mắc các bệnh dịch truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm; Người bệnh trong các trường hợp thiên tai, thảm họa lớn; Người tàn tật nặng không còn khả năng lao động, trẻ em mồ côi, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa và không có nguồn thu nhập.

Đối tượng được giảm nộp một phần viện phí đó là: Trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi bị bệnh nặng có sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn và gia đình trẻ em không có khả năng nộp viện phí;

Người bị bệnh nặng có sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn, sau khi được Quỹ khám, chữa bệnh người nghèo hỗ trợ (nếu có) nhưng vẫn không có khả năng nộp số viện phí còn lại do đời sống thực sự khó khăn.

Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định danh mục dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn, mức giảm nộp viện phí cho các đối tượng không vượt quá 50% (hoặc 70%) số tiền viện phí phải nộp. Thủ trưởng cơ sở khám, chữa bệnh căn cứ tình hình thực tế và khả năng ngân sách của đơn vị để xem xét quyết định việc giảm viện phí cho từng trường hợp cụ thể.

Ngoài ra, còn có một số đối tượng được nhà nước bảo đảm kinh phí hoặc hỗ trợ một phần kinh phí để mua thẻ Bảo hiểm Y tế bao gồm: Các đối tượng chính sách xã hội theo quy định của pháp luật; Các đối tượng được hưởng chính sách khám, chữa bệnh cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số sống tại các địa bàn kinh tế xã hội khó khăn: Hộ cận nghèo.

Theo bà Nguyễn Thị Xuyên, việc điều chỉnh viện phí lần này về cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến 62,5% triệu dân gồm 21 triệu người nghèo; 9,5 triệu trẻ em dưới 6 tuổi; các đối tượng chính sách xã hội, hưu trí, người làm công ăn lương, cựu chiến binh ... và khoảng 13 triệu người (đã có thẻ BHYT bắt buộc); khoảng 5 triệu học sinh tham gia BHYT tự nguyện; 14 triệu người cận nghèo được hỗ trợ mua thẻ BHYT.

Còn lại khoảng 28% dân số, chủ yếu là người dân có thu nhập từ trung bình khá trở lên sẽ bị ảnh hưởng, nhưng mức điều chỉnh không nhiều.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, có rất nhiều người lo ngại liệu chính sách mới nâng giá khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập lên cao?

Viện phí sẽ bị tác động từ đâu?

Theo dự thảo Nghị định, nguyên tắc tính và thu viện phí bao gồm chi phí về thuốc, máu, hoá chất, dịch truyền trong những ngày điều trị; Chi phí của các dịch vụ y tế như: khám bệnh; kiểm tra sức khoẻ; chăm sóc và phục vụ người bệnh trong những ngày điều trị; các kỹ thuật y tế như: xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, phục hồi chức năng, phẫu thuật, thủ thuật...

Ngoài ra còn có chi phí trực tiếp phục vụ người bệnh (như điện, nước, nhiên liệu...), một phần khấu hao trang thiết bị trực tiếp sử dụng để thực hiện dịch vụ, kỹ thuật y tế và chi phí để thực hiện lộ trình cải cách tiền lương hàng năm theo quy định của Chính phủ.

Đối với dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu được tính và thu theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp đủ các chi phí và có tích luỹ, mức tích luỹ tối đa không vượt quá 10% tổng chi phí.

Như vậy, với quy định về tính viện phí như trên, rõ ràng, những người không được miễn giảm viện phí sẽ phải nộp tiền khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập không thấp chút nào. Thậm chí theo suy đoán của nhiều người là mức phí sẽ khá cao, bởi tình trạng "lót tay" bác sỹ là không thể tránh khỏi.

Nguyên tắc xây dựng chính sách viện phí mới lần này theo bộ Y tế là sẽ tính đúng, tính đủ. Tính đủ theo như dự thảo Nghị định thì đã là đủ rồi. Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến lo ngại về việc liệu khi nghị định mới ban hành có thực thi đúng và bảo đảm công bằng không?

Cụ thể là đối với mức giảm, nộp viện phí, dự thảo nghị định này quy định thủ trưởng cơ sở khám, chữa bệnh căn cứ tình hình thực tế và khả năng ngân sách của đơn vị để xem xét quyết định việc giảm viện phí cho từng trường hợp cụ thể. Như vậy, rất dễ xảy ra tình trạng có người được ưu ái ít, người được ưu ái nhiều!

Bởi vậy, một chính sách viện phí hợp lý cần có sự đồng bộ với hàng loạt chủ trương khác, đặc biệt là việc nâng cao y đức trong các bệnh viện thì mới nâng cao được chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Có như vậy, người dân mới thực sự cảm thấy hài lòng khi phải bỏ nhiều tiền hơn để chữa bệnh tại những cơ sở y tế công lập.

Lan Hương