Chính sách mới về BHYT cho người dân tộc thiểu số

Hà An

(Dân trí) - Theo quy định mới, người dân tộc thiểu số ở một số vùng nhất định sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng bảo hiểm y tế. Thời gian hỗ trợ là 3 năm.

Nghị định số 75/2023/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 được ban hành gần đây đã phần nào giải quyết những khó khăn, vướng mắc đối với các địa phương bị ảnh hưởng bởi Quyết định 861/QĐ-TTg, Quyết định 612/QĐ-UBDT. 

Cụ thể, từ ngày 1/11/2023, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã khu vực II, III; thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 bị ảnh hưởng bởi Quyết định 861/QĐ-TTg, Quyết định 612/QĐ-UBDT sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). 

Chính sách mới về BHYT cho người dân tộc thiểu số - 1

Tuyên truyền chính sách BHYT đến người dân tộc thiểu số cũng góp phần thay đổi thói quen khám chữa bệnh của người dân (Ảnh khám từ thiện cho người dân xã Minh Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang: Toàn Vũ).

Theo đó, hỗ trợ 70% mức đóng BHYT đối với người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020. Các xã này không còn trong danh sách xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. 

Thời gian hỗ trợ là 3 năm kể từ ngày 1/11/2023. 

Việc quy định ngân sách nhà nước tiếp tục hỗ trợ thêm một thời gian sau khi thoát nghèo để người dân có thể tích lũy và đủ điều kiện kinh tế tham gia BHYT thể hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội, thoát nghèo bền vững của Chính phủ.

Trước đó, các đối tượng này bị tác động bởi 2 Quyết định 861/QĐ-TTg, Quyết định 612/QĐ-UBDT phải chuyển sang tham gia BHYT đối tượng khác hoặc tự mua thẻ hộ gia đình, dẫn đến giảm tỷ lệ bao phủ BHYT tại một số địa phương. 

Việc ban hành Nghị định số 75 góp phần bảo đảm bền vững chỉ tiêu BHYT ở các xã hoàn thành nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao; nâng cao công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân.  

Trước đây khi không may ốm đau, bệnh tật người đồng bào dân tộc thiểu số thường tìm đến các thầy mo để cúng, bái giải hạn hoặc tự cúng cầu nguyện theo tập tục lạc hậu mê tín dị đoan hình thành từ thói quen sinh hoạt hằng ngày. 

Vì thế, nhằm đưa chính sách BHYT đến đồng bào dân tộc thiểu số, các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, từng bước góp phần thay đổi hành vi của người dân trong tham gia BHYT, bảo quản thẻ và đi khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT. 

Các hoạt động này cũng góp phần thực hiện dự án X thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025.