Chất tạo nạc: Cần kiểm soát chặt chẽ!

(Dân trí) - Tại hội nghị tổng kết đợt ra quân cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 3/3/2016 tại Hà Nội, vấn đề chất cấm trong chăn nuôi được đưa ra. Một chi tiết nóng được nêu ra trong hội nghị: Trong hơn 9 tấn salbutamol được nhập về chỉ có 10 kg được dùng đúng mục đích..

Salbutamol là thuốc chữa bệnh, chất cấm trong chăn nuôi

Trong y khoa, chất đồng vận beta được dùng rất nhiều để điều trị hen phế quản do tác dụng giãn cơ phế quản rất đặc hiệu. Salbutamol là chất đồng vận được dùng nhiều nhất hiện nay.

Khi ăn thực phẩm có salbutamol, lợn sẽ nở mông, nở đùi, tăng trọng nhanh, đặc biệt là giảm phần mỡ và tăng tỷ lệ thịt nạc. Do đó, các nhà chăn nuôi đã lén lút, phi pháp thúc lợn nạc bằng thuốc đông vận beta này.

Các nước trên thế giới đều đã cấm sử dụng nhóm beta- agonist để làm chất kích thích tăng trọng trong chăn nuôi. Tổ chức Y tế Thế giới WHO cũng như Tổ chức Lương nông Thế giới FAO cũng có thông tư cấm sử dụng tất cả các hợp chất khác trong nhóm beta- agonists trong chăn nuôi. Ở Việt Nam, beta-agonist cũng được cho vào danh sách cấm dùng từ năm 2002.

Lượng salbutamol “tuồn vào” chăn nuôi quá lớn

Theo báo cáo “Dịch tễ học và tình hình kiểm soát hen phế quản ở người trưởng thành Việt Nam”, tỷ lệ mắc hen phế quản ở người trưởng thành là 4,1%, trong đó, tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là ở nhóm người trên 80 tuổi (11,9%), thấp nhất ở nhóm 21-30 tuổi (1,5%). Với số lượng bệnh nhân hen phế quản như thế, trung bình mỗi năm chúng ta dùng khoảng trên dưới 10 kg salbutamol để làm thuốc.

Chất tạo nạc: Cần kiểm soát chặt chẽ! - 1

Tại hội nghị tổng kết đợt ra quân cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 3/3/2016 tại Hà Nội, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã tỏ ra lo ngại về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay. Và theo theo Đại tá Phan Mạnh Thông, Trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49), Bộ Công an, qua thống kê trong năm 2015 đã có trên 20 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu 9.140 kg salbutamol về Việt Nam. Trong đó, khoảng 3 tấn đang được lưu giữ trong kho của các doanh nghiệp. Trên 6 tấn đã được bán ra thị trường nhưng chỉ có 10 kg được sử dụng đúng quy định. Như vậy, đa số salbutamol nhập về được dùng không đúng mục đích.

Khi nhập cảng, một kg chất cấm Salbutamol giá khá rẻ, chỉ có 1,5-1,6 triệu đồng, nhưng khi tuồn cho các cơ sở chăn nuôi được “thổi” lên đến 15 triệu đồng !!!

Hai điều bàn luận

1. Salbutamol là thuốc làm giãn phế quản để trị hen suyễn cho người. Đã là thuốc chữa bệnh, việc nhập cảng chất salbutamol này phải được cho phép của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế. Đây là chất cấm trong chăn nuôi nên chỉ cần kiểm tra giấy phép nhập của các công ty chúng ta dễ dàng phát hiện ra hành vi phạm pháp của họ và các bên bao che, giúp đỡ.

Nhưng cho đến nay, Cục Quản lý Dược, Cục VSATTP, Cục Chăn nuôi vẫn chưa công bố các doanh nghiệp nhập chất cấm salbutamol này.

2. Trên các phương tiện truyền thông, đã có nhiều đề xuất xử lý đối với hành vi cho chất tạo nạc bị cấm sử dụng trong chăn nuôi này.

Thiết nghĩ, việc cho chất tạo nạc bị cấm vào chăn nuôi còn nguy hiểm hơn cả chất ma túy: ma túy chỉ ảnh hưởng lên những con nghiện, chất cấm ảnh hưởng cả cộng đồng, gây nhiều hệ lụy như ung thư, dị tật…cho cả thế hệ con người.

Theo tôi, chỉ dựa vào ý thức, vận động, tuyên truyền là chưa đủ. Cần phải có quản lý của Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT chặt chẽ sâu sát hơn. Cần hình sự hóa những động thái nguy hiểm này.

TS.BS Trần Bá Thoại

Ủy viên BCH Hội Nội Tiết Việt Nam